Việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được bàn rất nhiều, cả trong nghị trường và cuộc sống đời thường, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù cũng có hai luồng ý kiến, nhưng "nên cấm" vẫn là mong muốn của đa số, vì rất nhiều người, rất nhiều gia đình đã rơi vào khốn khổ, thậm chí bị thương tật, mất mạng bởi đối tượng đòi nợ thuê; nhiều vùng quê, khu dân cư vốn yên bình bỗng thành náo loạn, người dân hoang mang vì "đầu gấu", "xã hội đen" đến đe dọa, khủng bố con nợ! Nỗi sợ “đòi nợ thuê" trên thực tế đã và đang gây khiếp đảm cho hàng triệu người, từ tuổi già đến trẻ nhỏ, dù họ chẳng nợ tiền ai. Chưa cần phân giải đúng-sai, nhưng bất cứ việc gì gây nguy hiểm, bất an cho xã hội và cộng đồng thì cũng cần phải cấm. Về bản chất, cấm cũng chính là một biện pháp quản lý xã hội.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: vietnamnet.vn. 

“Xin hãy hỏi dân” là ý kiến của rất nhiều cử tri khi Quốc hội bàn về cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đúng là dịch vụ này đã đem lại một số hiệu quả nhất định, nhưng sự biến tướng cùng những tác hại của nó thì khó lường và thực tế hiện nay chúng ta chưa thể quản lý tốt được. Có “lợi bất cập hại” hay không khi song hành với dịch vụ đòi nợ thuê là sự gia tăng của nạn “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi-loại dịch vụ "chui" gây bất ổn xã hội, chủ yếu phục vụ những đối tượng tham gia các tệ nạn, như cờ bạc, ma túy, ăn chơi xa xỉ chứ hiếm khi phục vụ việc chính đáng? Thực tế, chỉ khi nào không thể giải quyết bằng tình cảm, đàm phán thì các chủ nợ mới phải thuê đòi, để uy hiếp cho con nợ khiếp sợ mà bằng mọi giá phải trả, hoặc gia đình con nợ sợ hãi, đành phải trả thay. Điều này có phải là "luật rừng" đã làm thay luật pháp? Bản chất của đòi nợ thuê là thế, nên dù có đổi cách gọi như một số kiến nghị thì cũng rất khó thay đổi được phương cách đòi nợ để bảo đảm đúng pháp luật, văn minh.

Cần phải khẳng định rằng, hệ thống chính trị và pháp lý của nước ta đã có đầy đủ các tổ chức cùng chế tài để giải quyết việc vay-nợ của mọi tập thể, cá nhân, nên không thực sự cần thiết phải có dịch vụ đòi nợ với nguy cơ hoạt động theo kiểu giang hồ nguy hiểm. Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần sớm nghiên cứu, cải tiến các quy định của pháp luật để tạo thuận lợi và hiệu quả cao hơn trong việc giải quyết đòi nợ và những tranh chấp liên quan đến vay-nợ. Bên cạnh đó, phải kiên quyết triệt gỡ từ gốc nạn “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, vì chỉ những chủ nợ này mới dám và sẵn sàng cho những người không có thế chấp, tín chấp, không có khả năng chi trả vay tiền, sau đó lại thuê người đòi, siết nợ. Chưa kể, chính cơ sở đòi nợ thuê còn là "hang ổ" hoặc liên minh của nhiều tệ nạn (tổ chức đánh bạc, "bảo kê", cho vay nặng lãi...) gây bao hệ lụy, hãi hùng.

CÁT HUY QUANG