Chuyện nhà giáo cũng phải đi học vốn xưa nay là bình thường. Kiến thức, kỹ năng của họ được đào tạo, rèn luyện ở nhà trường sư phạm là chưa đủ trong khi mọi ngành khoa học, kỹ thuật, mọi hoạt động xã hội luôn có sự đổi mới, bổ sung cùng thời gian. Trong cuộc sống hiện tại, ngay cả những hoạt động hằng ngày, những ứng xử, giao tiếp, hành vi của xã hội cũng đã nhiều thay đổi, biến động đa dạng phong phú. Thực tế đó đặt ra yêu cầu mọi cán bộ, công chức, viên chức là những người đầu tiên phải tiếp nhận, làm gương bắt kịp và đi trước trong phong cách ứng xử. Nhà giáo là bộ phận xã hội mô phạm, chuẩn mực càng cần được bồi dưỡng, điều chỉnh để bắt kịp nhịp điệu chung và không ngừng hoàn thiện mình xứng đáng với thiên chức cao quý.
Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.com.vn.
Một thực tế khác dường như còn nóng hơn là hiện tượng thiếu chuẩn mực trong đội ngũ giáo viên diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Không chỉ các cấp lãnh đạo ở quận Bình Tân mà ở nhiều địa phương trên đất nước ta đều nhận được những phản ánh không hay về các trường hợp như vậy. Chuyện giáo viên quát nạt, đánh mắng học sinh hoặc thờ ơ, lạnh lùng với mọi người, với những vi phạm, lộn xộn trong nhà trường, trong học sinh không phải là hiếm. Hiện tượng giáo viên ứng xử, đối đáp không lịch sự, thiếu tôn trọng phụ huynh học sinh cũng vậy… Gốc gác của những sai sót trên, theo chính các thầy, cô giáo một phần nằm ở nhận thức sai lệch về vị trí, vai trò của những người làm thầy. Họ tự coi mình là cao hơn người khác. Họ nói học sinh và kể cả phụ huynh phải nghe. Họ có quyền ban phát, phán xử. Đó là những thói tật của bệnh cửa quyền. Và đây là sự sai trái, lạc hậu trong một xã hội ngày càng tiến bộ trong quyền công dân, quyền trẻ em.
Dễ hiểu là xưa nay xã hội ta luôn tôn trọng các nhà giáo, dễ dàng cảm thông, thể tất cho những yêu cầu cùng những sai sót của thầy cô. Nhiều học sinh và các bậc phụ huynh một điều hai điều đều nhất nhất tuân theo những nhân danh, những lý do không được giải thích hoặc viện dẫn với lý lẽ không thỏa đáng, áp đặt. Nhưng khi những “sự cố”, “tại nạn” nơi nhà trường cứ xảy ra, khi ý thức làm chủ của xã hội ngày càng nâng lên thể hiện qua nhiều phản ánh, chất vấn, đấu tranh trong thời gian qua thì đó chính là yêu cầu đổi mới của cuộc sống.
Điều đáng mừng là các hiệu trưởng, giáo viên và cả những nhân viên văn phòng, bảo vệ... của nhiều trường ở quận Bình Tân đã tham gia khá hào hứng các lớp bồi dưỡng về ứng xử, giao tiếp. Trong xu thế xã hội đang đề cao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và văn hóa ứng xử nơi công cộng, nhiều cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và nhiều thầy cô đã nhận thức được nhu cầu tự thân cùng trách nhiệm làm đổi mới phương pháp, phong cách ứng xử.
Các nhà giáo càng đàng hoàng, tử tế, thân thiện thì phụ huynh càng thêm yên tâm, tin tưởng và sẵn lòng hợp tác, học sinh sẽ thực sự có được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Với xã hội, các nhà giáo của chúng ta vẫn luôn là mẫu mực để gửi gắm, noi theo.
NGUYỄN ANH