Qua đó phát hiện 1.139 học sinh bị cong vẹo cột sống, chiếm tỷ lệ 59,3%. Ngoài ra, nhiều học sinh còn bị các bệnh khác như sâu răng, tật khúc xạ mắt, suy dinh dưỡng...

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, qua khám sức khỏe học sinh toàn thành phố năm học 2022-2023, số học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ hơn 32%, bệnh khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ gần 29%, sâu răng chiếm tỷ lệ hơn 23%, tỷ lệ suy dinh dưỡng hơn 4,5%...

leftcenterrightdel
Khám tầm soát bệnh vẹo cột sống cho trẻ em. Ảnh: TTXVN

Những con số thống kê trên rất đáng báo động. Đáng lo ngại là một số căn bệnh như cong vẹo cột sống, cận thị, rối loạn tâm lý đang có xu hướng gia tăng.

Theo các chuyên gia về y tế và sức khỏe, bệnh học đường là những bệnh liên quan đến lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện vệ sinh, chế độ dinh dưỡng chưa bảo đảm; học sinh ngồi sai tư thế, kích thước và kiểu dáng bàn ghế không phù hợp; do phải mang vác nặng; học trong phòng không đủ ánh sáng hoặc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh quá nhiều... Bên cạnh đó, nhiều học sinh bị rối loạn cảm xúc và thói quen, thậm chí một số em bị trầm cảm do khối lượng kiến thức quá tải, do áp lực từ kết quả học tập, ít thời gian dành cho vui chơi giải trí, do tình trạng bạo lực học đường, bạo lực mạng xã hội khiến tâm lý bị tổn thương...

Các bệnh học đường nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hại đối với tương lai các em. Ở khía cạnh khác, sự gia tăng của các bệnh học đường còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe học đường, phản ánh sự thiếu khoa học, toàn diện trong công tác chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường đối với các em học sinh.

Ngăn ngừa, hạn chế bệnh học đường, giúp trẻ em phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất là nhiệm vụ quan trọng đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”. Đây là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa các bệnh học đường cho học sinh. Vì vậy, các cơ sở giáo dục và nhà trường cần bám sát, thực hiện tốt nội dung, giải pháp mà chương trình đã đề ra, nhất là các giải pháp như: Công tác y tế tại trường học; nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên về sức khỏe học đường; khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; xây dựng trường học đạt chuẩn an toàn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho học sinh; xây dựng hành vi và thói quen khoa học cho học sinh, giúp các em giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh trường, lớp.

Về phía gia đình, phụ huynh cần nhận thức rõ tác hại của bệnh học đường, từ đó thường xuyên quan tâm chăm sóc, giúp con em tránh xa những thói quen không tốt như xem quá nhiều điện thoại, máy tính, ti vi; cung cấp bữa ăn dinh dưỡng đầy đủ, khoa học; nhắc nhở con em ngồi học đúng tư thế; thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên, bảo đảm con em phát triển toàn diện, có thể chất khỏe mạnh, tâm lý ổn định, tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan, tích cực. 

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.