QĐND - Từ thuở hồng hoang cho đến thời kỳ phát triển đông đúc, trù phú ở thế kỷ 21 này, Nam Bộ luôn luôn là miền đất hứa của mỗi người dân Việt Nam. Mấy chục năm gần đây tốc độ tập trung dân cư, phát triển sản xuất cùng đô thị hóa, cùng hệ thống hạ tầng giao thông, điện lưới tăng cao, các vùng đất từ Tây Nguyên, miền Đông đến Đồng bằng sông Cửu Long càng có sức hút với lao động cùng khách du lịch mọi miền. Thành quả của mấy mươi năm kháng chiến cứu nước, của chiến tranh bảo vệ vùng biên giới và công cuộc đổi mới là đây.
Không chỉ vậy, công cuộc lao động xây dựng thời bình càng phát triển, càng đi vào chiều sâu càng tạo nên những cách nhìn và cơ hội khám phá thêm những tiềm năng, lợi thế to lớn của miền đất có vị trí địa lý thuận lợi, giàu có về con người và các loại tài nguyên, đặc biệt là con người. Nếu xa xưa nền kinh tế dựa vào thiên nhiên cứ "gieo hạt, cắm cây" là có ăn, cứ "rẽ cá mới thấy nước" thì con người ở Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay đã tạo nên một nền kinh tế sản xuất chủ động, một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên bằng những phương thức "sống chung với lũ", nuôi trồng thủy sản, các mô hình "cánh đồng mẫu lớn", sản xuất theo các tiêu chuẩn Việt GAP… Ở Tây Nguyên, nếu xưa sống nhờ rừng, nương rẫy thì nay là những cánh rừng trồng cây công nghiệp. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với cơ chế thị trường tạo điều kiện cho sản xuất lớn, tăng trưởng nhanh song chặng đường đầu với nhiều yếu tố phát triển nóng đã tạo ra sự lệch lạc, thiếu đồng bộ hạn chế sự phát triển của lực lượng sản xuất và hiệu quả kinh tế, đời sống. Rõ nhất cũng chính là sự phát triển con người.
 |
Một lớp học ở buôn làng Tây Nguyên. Ảnh: gdtd.vn. |
Có sự thật như một nghịch lý là những vùng đất kinh tế ổn định, ít bị thiên tai đe dọa nhưng giáo dục lại chậm phát triển so với nhiều vùng khác. Tại sao chất lượng giáo dục thấp? Tại sao thiếu nhi, thanh niên không thực sự ham học, không quyết liệt vươn lên bằng con đường học vấn cùng với các ngành nghề mới? Có lý do sâu xa ở sự làm ăn thuận lợi, dễ dãi nhưng chủ yếu vẫn là cách đầu tư cho giáo dục, cho môi trường và phong trào học tập. Chỉ "học đủ xài" thì người nông dân làm thuê, người lao động tự do vẫn thừa đủ ăn nhưng sao có thể thoát khỏi thân phận tá điền, sao có thể trở thành trung lưu, người giàu. Tương lai của đất nước là nền kinh tế tri thức, là công nghệ xanh, là việc dựa vào khoa học, kỹ thuật để chống chọi với hiểm họa biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên cũng đã và đang hướng tới những đích lớn này, giáo dục và sự nghiệp trồng người buộc chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân các vùng đất này phải đổi thay trong cách nhìn, cách nghĩ.
Cũng đáng tiếc thay, những vùng đất tươi đẹp và giàu có này đã không tránh được những căn bệnh như ở các vùng đô thị và nông thôn khác là ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên. Mới mươi năm trước thôi, thuyền bè còn xuôi chèo mát mái dọc ngang kênh rạch thì nay, ngay cả trên những con sông, kinh xáng lớn chỉ đi vài cây số là rêu rác và nhất là các loại túi ni-lông đã quấn chặt chân vịt. Ở nhiều khu vực "vùng sâu vùng xa", cuộc sống trong những ngôi nhà vẫn dựa vào nước trời, nước ăn uống từ kênh rạch mà mọi thứ rác xả thải cũng vào kênh rạch… Trên đất Tây Nguyên rừng già đang mất đi từng ngày, nước ngầm đang cạn kiệt, cuộc sống hiện đại chưa lan rộng nhưng cuộc sống gắn với rừng, với nương rẫy đã mất đi…
Miền đất hứa trước sau vẫn là miền đất hứa bởi mồ hôi, nước mắt và máu các thế hệ đã đổ xuống, bởi sự màu mỡ, phì nhiêu bậc nhất và hiếm có trên thế gian này, bởi hiện tại và tương lai đầy hứa hẹn. Những khó khăn, hạn chế còn đang bám lấy miền đất này hoàn toàn nằm trong khả năng giải quyết của Nam Bộ, của cả nước. Về với miền đất hứa trước sau vẫn là ước mơ của mỗi người dân đất nước nhưng trách nhiệm làm giàu đẹp, bền vững đối với con người và đất đai là không phải chỉ của những người dân nơi đây. Nam Bộ đã "đi trước về sau" trong kháng chiến. Nam Bộ đã và hoàn toàn có thể luôn tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và ngày mai.
MẠNH HÙNG