Cả hai cô đã tình nguyện xung phong vào khu cách ly cùng 52 học sinh. Các cô không chỉ hoàn thành trách nhiệm của một nhà giáo mà còn hết lòng đùm bọc học trò của mình bằng tình cảm thiêng liêng của người mẹ.
Trong bối cảnh hằng ngày trên các trang báo, diễn đàn, mạng xã hội, người ta thường chia sẻ rất nhiều câu chuyện về nhà trường, về thầy cô, nhưng những chuyện vui thì ít mà buồn lại có rất nhiều. Số ít thầy cô làm sai, vi phạm đạo đức, chuẩn mực nhà giáo khiến những bức xúc của dư luận bị đẩy lên cao, bùng nổ trên mạng xã hội, có lúc tưởng như muốn quật nhào biểu tượng cao quý của người thầy.
 |
Niềm vui của cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: qdnd.vn. |
Nhưng khi được nghe, được thấy những câu chuyện như của cô Kim, cô Dung, chúng ta biết rằng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Họ không phải là một vài trường hợp đặc biệt, mà còn đó, rất nhiều thầy, cô giáo đam mê, dấn thân với nghề của người đi “gieo hạt”. Như thầy Hò Văn Lợi kiên cường cắm bản, xóa mù chữ ở “vùng đất bị lãng quên” Pờ Chừ Lủng (Hà Giang); thầy Nguyễn Trần Vỹ, chuyên đi kêu gọi tài trợ xây trường, mua đồ dùng cho học sinh ở Quảng Nam. Hay thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (Quảng Nam) tình nguyện làm tài xế chở F0 xuống TP Tam Kỳ điều trị...
Họ không phải là những người “rỗi hơi”, “rảnh việc”, “vác tù và hàng tổng”, mà họ đến với học trò bằng tình cảm bao la, thầm lặng và tận tâm như cha mẹ chăm sóc con cái. Chúng ta cũng như họ, luôn tin rằng tình yêu thương vô điều kiện của các thầy cô sẽ ươm mầm cho những thánh thiện và những tươi xanh trong tương lai, như cách chúng ta đã cùng nhau vượt qua những nỗi lo sợ và chiến thắng dịch bệnh.
Đó cũng chính là tư tưởng “trồng người” của Bác Hồ chỉ cho nền giáo dục phải đạt tới. Bác luôn coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố bảo đảm cho sự thành công của cách mạng. Con người phải được phát triển toàn diện về các mặt đức, trí, thể, mỹ, từ đó mới có thể phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Bác đã khẳng định vai trò của người thầy là phải có tâm hồn, kiến thức và sau cùng là phương pháp sư phạm. Tâm hồn của người thầy được xây dựng trên lòng yêu thương vô hạn, lòng quý mến và sự tôn trọng con người. Chính lòng tôn trọng đó là cội nguồn của mọi tình cảm cao đẹp, là khởi thủy của đạo đức.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta hơn bao giờ hết luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục. Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo. Ở thời điểm cuộc sống phải đối mặt với quá nhiều thách thức, những giá trị cao cả, tốt đẹp của có nguy cơ xói mòn thì những cống hiến tận tụy của các nhà giáo đã minh chứng một chân lý, họ mãi xứng đáng với danh xưng mà nhiều người dành cho “mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”.
THU HÀ