Tuy nhiên, thời gian qua có không ít các vụ việc đau lòng do phẫu thuật thẩm mỹ. Điển hình là trường hợp cô gái 22 tuổi (đến từ Long An) thực hiện phẫu thuật nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ H.M.P. (có địa chỉ ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vào tháng 1-2022, bị biến chứng và tử vong sau hai tháng hôn mê. Người thực hiện được cho là hành nghề không phép.

Trước đó không lâu, một phụ nữ đã tử vong trong quá trình nâng ngực tại Bệnh viện 1A (TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người hoang mang khi đến với dịch vụ làm đẹp...

Có thể thấy, bên cạnh các khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ chuyên ngành thì các thẩm mỹ viện, thậm chí spa làm thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa. Điều đáng lo ngại là ngoài việc tham khảo bạn bè, khá nhiều người cả tin vào các lời quảng cáo có cánh trên các trang mạng xã hội. Những thông tin quảng cáo này đa số là của các cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép hoạt động. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: TTXVN

Các chuyên gia y tế cho rằng, đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện ở những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không được cấp giấy phép. Các spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ đua nhau làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ theo kiểu truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc. Những vụ tai biến nhẹ thì gây nhiễm trùng, tổn thương, dị tật; nặng thì làm hoại tử da, sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng..., thậm chí tử vong.

Chính vì lợi nhuận, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác nên những cơ sở này đã và đang gây ra sự hỗn loạn về dịch vụ thẩm mỹ ở nước ta.  

Hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ đang phát triển mạnh. Để kiểm soát và ngăn chặn những sai phạm của loại dịch vụ này, trước hết phải nâng cao ý thức cho người dân. Theo quy định hiện hành, phẫu thuật thẩm mỹ phải thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép của Bộ Y tế, do bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được đào tạo bài bản thực hiện.

Vì thế, người dân cần tìm hiểu thông tin kỹ, có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào, tránh để bị lừa dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Bên cạnh biện pháp trên, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát những cơ sở làm đẹp, có chế tài xử lý nghiêm những cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Y tế cần quy định chặt chẽ việc cấp phép cho các cơ sở y tế, nơi làm đẹp và đội ngũ bác sĩ, nhân viên thực hiện phẫu thuật làm đẹp.

Các cơ quan chức năng khác cũng phải mạnh tay xử lý việc quảng cáo không đúng sự thật về hoạt động, chất lượng của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, nhất là đối với các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép. Có như vậy, dịch vụ thẩm mỹ mới được chấn chỉnh, hạn chế được những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

LÊ PHI HÙNG