Được bạn bè giới thiệu, chị Trần Thu Thủy (ở Hà Nội) đến cơ sở thẩm mỹ trên phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) làm phẫu thuật nâng ngực bằng phương pháp cấy mỡ tự thân. Ca phẫu thuật không thành công, trái lại chị Thủy còn bị biến chứng dẫn đến ngất xỉu và phải đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cơ quan chức năng cấp, cơ sở thẩm mỹ này chỉ được hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ làm đẹp cá nhân, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ. Trường hợp khác ở TP Hồ Chí Minh, một phụ nữ (33 tuổi) sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS (TP Hồ Chí Minh) bị biến chứng và tử vong ngay trong ngày. Bệnh nhân này được chẩn đoán là trụy tim mạch và suy hô hấp dẫn đến tử vong. Trường hợp khác, một cô gái 28 tuổi sau khi tiến hành phẫu thuật hút mỡ, cắt da bụng tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS thì mới biết mình đang mang thai. Người này phải lựa chọn giữ hay bỏ đứa con, nếu giữ đứa con thì bản thân sẽ đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng và ngược lại...

leftcenterrightdel
Khách hàng thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại một cơ sở thẩm mỹ.

Được biết, hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội tồn tại hai loại hình cơ sở làm đẹp; một loại là do Sở Y tế cấp phép cho loại hình phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; loại hình khác do UBND cấp huyện cấp phép kinh doanh và quản lý các thẩm mỹ viện, cơ sở spa,  cơ sở massage... Sở Y tế TP Hà Nội hiện chỉ cấp phép cho 80 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, những dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ núp bóng thẩm mỹ viện ngày càng có xu hướng gia tăng.

Trước thực tế các cơ sở thẩm mỹ "mọc lên như nấm sau mưa", Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng một số ban, ngành đã xây dựng và ban hành "Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật" (ban hành kèm theo Công văn số 8387/SYT-NVY ngày 25-8-2016) với 14 hoạt động cụ thể nhằm giúp các bệnh viện chủ động rà soát, củng cố hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh trong phẫu thuật. Cụ thể, Quyết định số 7482/QĐ-BYT ngày 18-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành “Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật” và được triển khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện phẫu thuật để họ tự đánh giá và cải tiến bảo đảm an toàn cho khách hàng. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý kiểm tra, đánh giá, giám sát và để cơ sở thẩm mỹ thực hiện, làm theo. Mặc dù quy định đã khá rõ ràng, cụ thể, nhưng không ít nơi vẫn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm. Họ gắn biển hiệu thẩm mỹ viện khiến khách hàng lầm tưởng đây là cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Tình trạng “trăm hoa đua nở” đang khiến cơ quan chức năng đau đầu, không biết quản lý và kiểm soát thế nào cho hiệu quả. Ngoài ra, các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế TP Hà Nội), tại những phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép cũng chỉ được thực hiện các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ, như: Nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, sửa sẹo, cắt mí, phun xăm. Còn những thủ thuật khó hơn, như: Hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… phải được thực hiện tại bệnh viện lớn, có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn. Theo đó, ngành y tế cần phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Trường hợp cơ sở nào vi phạm thì phải đề nghị xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính như hiện nay. Còn về phía người dân, khi đi làm đẹp cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về kỹ năng, lợi ích của việc phẫu thuật thẩm mỹ. Quan trọng hơn là phải tìm hiểu xem cơ sở mình định làm đẹp có đạt tiêu chuẩn như trong giấy phép hành nghề hay không? Chỉ khi kiểm soát được các cơ sở làm đẹp, cũng như người dân biết cách tự bảo vệ chính mình thì sức khỏe và tính mạng của khách hàng mới được bảo đảm an toàn.

Bài và ảnh: ANH THƯ