Điều đó giúp các địa phương từng bước đáp ứng nguồn nhân lực để củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội tại những địa bàn trọng điểm. Những thành quả đó có được nhờ là Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên đầu tư về hạ tầng cơ sở giáo dục, bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt, học tập cho học sinh và đội ngũ thầy, cô giáo. Cùng với đó, phải kể đến sự cống hiến, hy sinh của đội ngũ giáo viên đang công tác tại những trường học, cơ sở giáo dục ở vùng khó khăn.
Dạy học ở những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên chấp nhận gửi lại con nhỏ, xa gia đình để bám trường, bám lớp. Không chỉ thường xuyên vượt núi, băng rừng vận động học sinh đến trường, giáo viên vùng cao còn luôn tận tâm chăm sóc cho học trò như con đẻ của chính mình. Đặc biệt, có những cô giáo vì công tác lâu năm ở vùng khó khăn mà chưa có điều kiện xây dựng gia đình, thậm chí có người dành trọn cả tuổi thanh xuân cho nghề dạy học ở vùng cao, biên giới.
 |
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kim Nọi đón khai giảng. Ảnh: QĐND |
Thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác dạy và học ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn. Không thể dạy học tập trung ở cơ sở trường lớp, để bảo đảm chương trình, giáo viên vùng cao phải mang giáo án luân phiên đến tận các bản, làng hướng dẫn từng nhóm nhỏ học sinh học bài.
Khi một số trường trên địa bàn vùng sâu, vùng xa xuất hiện ca nhiễm Covid-19, nhiều học sinh phải thực hiện cách ly tập trung để phòng, chống dịch. Trong hoàn cảnh đó, có những giáo viên đã tình nguyện tham gia cách ly cùng học trò, ngày đêm thay phụ huynh chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Những hy sinh và nghĩa cử ấy của các thầy, cô giáo thật đáng trân trọng.
Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm chăm lo phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cụ thể, đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, góp phần cải thiện đời sống cho đội ngũ giáo viên đang công tác trên địa bàn. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình, cơ sở hạ tầng, giao thông cách trở nên vẫn còn không ít thầy, cô giáo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Còn nhiều điểm trường vào mùa mưa, giáo viên chỉ có thể đi bộ, đi thuyền đến với học trò, trong điều kiện không điện lưới, không sóng điện thoại. Họ cũng ít có điều kiện giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Vì vậy, cùng với lòng yêu người, yêu nghề của thầy, cô giáo rất cần những chính sách, chế độ đãi ngộ đặc thù với giáo viên vùng khó khăn để họ yên tâm, gắn bó với sự nghiệp trồng người. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ xây dựng nhà ở tập thể, đầu tư điện, nước sinh hoạt đến các điểm trường, tăng thời gian nghỉ phép giúp các thầy, cô giáo xa nhà có điều kiện gần gũi với gia đình.
Một trong những điểm mấu chốt cũng cần được quan tâm, đó là công tác luân chuyển giáo viên ở vùng khó khăn cần được thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng, nhân văn. Bởi thực tế, vẫn còn một số lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục lợi dụng chính sách luân chuyển để nhũng nhiễu, vòi vĩnh từ chính những giáo viên đang ngày đêm hy sinh bản thân mình, hết lòng cho công tác dạy học ở vùng khó khăn.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Để sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì không thể cứ trông chờ mãi vào tình yêu nghề của mỗi thầy, cô giáo.
Vì vậy, cùng với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành giáo dục trong triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; huy động tối đa nguồn lực xã hội thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển, cần sớm loại bỏ những hiện tượng tiêu cực nêu trên. Bởi, quan tâm, đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai.
VIẾT LAM