Xoay xở gỡ rối
Theo Chương trình GDPT hiện hành, bậc Trung học cơ sở (THCS), môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Nhưng từ năm học 2021-2022, ở lớp 6, các môn học này được tích hợp thành hai môn chính là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (KHTN). Điều này gây ra không ít xáo trộn cho giáo viên, phải thay đổi thói quen từ phương pháp dạy đơn môn sang tích hợp liên môn, đến việc sắp xếp thời khóa biểu sao cho không làm đứt mạch kiến thức.
Dù đã có hai năm chuẩn bị để triển khai Chương trình GPTP 2018, nhưng thực tế giáo viên mới được tiếp cận sách giáo khoa những môn học này vài tháng trước khi chương trình được áp dụng chính thức. Do chưa có giáo viên chuyên dạy các môn tích hợp, nên mới có việc môn Lịch sử và Địa lý do hai giáo viên đảm nhiệm. Những nội dung có tính chất liên môn, sẽ được các giáo viên cùng họp thống nhất. Tương tự, môn KHTN có 3 giáo viên dạy tương ứng với phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học dạy song song. Thực tế cách dạy này không khoa học, không đúng với tinh thần môn học tích hợp bởi chương trình thiết kế theo mạch kiến thức hình thành năng lực về KHTN, có tính logic, không phải muốn dạy chủ đề nào cũng được. Mặt khác, ngoài dạy tích hợp, giáo viên vẫn đảm nhiệm dạy các đơn môn của lớp 7, 8, 9 theo chương trình cũ khiến nhiều trường lúng túng trong việc xếp thời khóa biểu.
 |
Các giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang trao đổi các nội dung giảng dạy. |
Năm học này, cô Nguyễn Thị Minh Phương, Trường THCS Đông Hà (Chợ Mới, Bắc Kạn) được phân công dạy hai môn Toán học và Vật lý. Cô hiểu rằng, tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đi từ thấp đến cao; nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp lại, vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn. Khó nhất là giáo viên mới chỉ kịp truyền thụ phần kiến thức, chưa liên hệ được phần kiến thức liên môn, kiến thức bổ trợ thì hết giờ. Một tuần mỗi lớp chỉ có từ 5 đến 10 tiết học, giáo viên phải khéo co kéo lắm mới dạy đủ nội dung chính chứ chưa nói đến phần tích hợp liên môn.
Chia sẻ về cách bố trí môn học, cô Vũ Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (Hà Nội) cho biết: Thời gian đầu, trường phân chia dạy các mạch nội dung Lý-Hóa-Sinh với thời lượng 2 tiết Lý, 1 tiết Hóa, 1 tiết Sinh. Tuy nhiên, bất cập xảy ra khi các chủ đề môn học trong chương trình, sách giáo khoa được sắp xếp theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm. Để học sinh tiếp thu được tốt nhất, nhà trường thay đổi cách tổ chức dạy từ tuần 1 đến tuần 4 với 4 tiết/tuần; 2 tiết do giáo viên Vật lý thực hiện, 2 tiết do giáo viên Sinh học thực hiện. Từ tuần 5 đến tuần 10, trường bố trí giáo viên chuyên môn Hóa học đảm nhận, thời lượng 4 tiết/tuần. Tương tự như vậy với các phần nội dung còn lại ở các tuần tiếp theo.
Ông Vũ Việt Hùng, Quyền Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) cho biết: Đáp ứng việc triển khai dạy học Chương trình GDPT 2018, ngoài việc tập huấn cho giáo viên dạy nội dung chuyên môn, Sở GD&ĐT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp tín chỉ để giáo viên có thể dạy được nhiều mảng kiến thức khác nhau. Các giáo viên vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đề xuất với nhà trường, với ngành từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm ra phương pháp dạy môn tích hợp hiệu quả nhất, giúp các trường yên tâm triển khai chương trình học mới.
Theo các chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục, việc bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp chỉ nên là giải pháp tình thế. Về lâu dài, nhất là ở những khối lớp học cao hơn, cần có những giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy về nội dung dạy học tích hợp đạt chuẩn yêu cầu mới, chứ không thể theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.
 |
Tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang. |
Trường sư phạm chuyển hướng đào tạo
Dạy học tích hợp là một trong những yêu cầu, thành tố quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục và phương pháp giảng dạy. Đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai của Chương trình GDPT 2018, các trường đào tạo ngành sư phạm đã nhanh chóng chuyển hướng đào tạo.
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) là một trong 3 trường đầu tiên của cả nước mở mã ngành đào tạo Sư phạm KHTN và Sư phạm Lịch sử-Địa lý. Năm 2019, trường tuyển 50 chỉ tiêu mỗi ngành. Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành này tăng gấp đôi và năm 2021 tiếp tục tăng lên 120 chỉ tiêu. PGS, TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Chương trình đào tạo của trường đã điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, cũng như yêu cầu của địa phương. Năm 2023, lứa giáo viên dạy các môn tích hợp đầu tiên sẽ ra trường. Song song với đó, trường cũng đang tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho một số đơn vị, trường học ở TP Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây nguyên, để triển khai Chương trình GDPT 2018.
Theo PGS, TS Phạm Văn Thuần, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), để triển khai đào tạo, đội ngũ giáo viên theo việc dạy học tích hợp liên môn có 3 con đường chính. Đó là đào tạo mới; đào tạo theo hình thức liên thông (chương trình liên thông ngang dành cho những giáo viên đã có bằng cử nhân đơn môn, tiếp tục học thêm các học phần để có thêm bằng cử nhân tích hợp liên môn) và cấp bách hơn là các lớp bồi dưỡng trong thời gian ngắn, cấp chứng chỉ. Đáp ứng mục tiêu lâu dài, từ 3 năm nay, Trường ĐH Giáo dục đã mở mới hai ngành là cử nhân sư phạm KHTN và cử nhân sư phạm Lịch sử-Địa lý. Năm 2021, trường tuyển sinh khoảng 1.000 chỉ tiêu, trong đó hơn 800 chỉ tiêu thuộc mã ngành đào tạo giáo viên.
 |
Học sinh Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang trong giờ học môn KHTN. |
Giải thích thêm về sự khác biệt giữa đào tạo giáo viên được đào tạo đơn môn và tích hợp liên môn, PGS, TS Mai Văn Hưng, Trưởng bộ môn Sư phạm KHTN, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: "Đào tạo giáo viên đơn môn chủ yếu đào tạo kiến thức đại cương, trên cơ sở đó là kiến thức của một ngành và đi sâu để các em sau khi tốt nghiệp có thể trở thành giáo viên hoặc nhà nghiên cứu. Còn ở môn tích hợp, cụ thể là môn KHTN, ngoại trừ các môn chung, bậc thứ nhất là đào tạo các môn đại cương chung về KHTN gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh và một phần Địa lý; tầng thứ hai là đào tạo các môn đại cương về KHTN như: Vật lý đại cương, Hóa học đại cương, Sinh học đại cương. Trên cơ sở đó, xây dựng những học phần riêng cho từng môn. Với cách tiếp cận hình chóp như vậy, giáo viên sau khi ra trường có thể đảm đương được việc dạy môn tích hợp. Bên cạnh đó, họ được học những môn về phương pháp tích hợp, phương pháp dạy học tích hợp, phát triển chương trình tích hợp".
Tuy nhiên, theo PGS, TS Mai Văn Hưng, với những giáo viên dạy Vật lý, Hóa học hay Sinh học dù chỉ được đào tạo dạy đơn môn nhưng đều đã được học kiến thức đại cương của các môn liên quan. Vì vậy, khi thực hiện chuyển sang dạy môn tích hợp không quá khó khăn. Có thể bồi dưỡng, thậm chí khi có một chương trình bồi dưỡng tốt, những giáo viên đơn môn khi chuyển sang dạy tích hợp có nhiều thuận lợi.
Nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục một cách toàn diện, dạy học tích hợp tiếp cận năng lực người học, lượng kiến thức logic tạo nên chủ đề học tập. Đáp ứng với yêu cầu này, giáo viên buộc phải tự nâng cao năng lực, trang bị kiến thức tích hợp, liên môn bài bản và thay đổi phương pháp dạy học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Dạy các môn KHTN, trường hợp rất đặc biệt, quá khó khăn mới dạy song song các chủ đề, nhưng phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm. Riêng với thời khóa biểu, các trường cần sắp xếp linh hoạt, có thể điều chỉnh tăng, giảm sao cho phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nắm bắt những khó khăn, lúng túng trong triển khai để bám sát, hỗ trợ các trường lựa chọn phương án phù hợp với thực tế. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ