Một trong những điểm nhấn nổi bật nhiệm kỳ 2015-2020 là phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, dạy tốt học tốt, gắn với chiến trường, hướng về đơn vị”; Đảng ủy, Ban giám đốc học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đột phá đổi mới nâng cao chất lượng GD-ĐT gắn với nâng cao năng lực thực hành, sát thực tiễn đơn vị. Từ chủ trương đó, học viện tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông giữa các cấp học, bậc học, bám sát sự phát triển của nghệ thuật quân sự và ngành hậu cần, tài chính quân đội, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội và điều kiện thực tế xã hội. Thực hiện tốt phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”; kết hợp trang bị lý luận với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn; kinh nghiệm chiến đấu; huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; tăng cường huấn luyện thực hành, rèn luyện thể lực, nâng cao chất lượng thực tập chức trách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đơn vị. Trong nhiệm kỳ qua, chỉ huy học viện kiểm tra huấn luyện đối với các khoa giáo viên: 100% bài giảng đạt yêu cầu trở lên, hơn 73% đạt khá, giỏi; xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, đáp án học phần, môn học theo hướng nâng cao năng lực thực hành, khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của các bậc học; tổ chức chấm thi tập trung các môn tự luận, tăng cường thi trắc nghiệm trên máy tính; cơ sở vật chất từng bước được xây dựng, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Đảng ủy, Ban giám đốc học viện thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đạt chuẩn theo quy định, tăng cường các biện pháp tập huấn, bồi dưỡng trình độ năng lực sư phạm, kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học, kinh nghiệm thực tiễn đơn vị và phương pháp dạy học; coi trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi, chuyên gia đầu ngành về GD-ĐT. Hiện tại, học viện có 100% cán bộ, giảng viên trình độ đại học trở lên, trong đó đội ngũ giảng viên có 84,34% trình độ sau đại học (22,02% tiến sĩ); cán bộ quản lý giáo dục có 47,93% trình độ sau đại học (5,39% tiến sĩ); 1 Giáo sư; 15 Phó giáo sư; 20 Nhà giáo giỏi cấp BQP. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT và nghiên cứu khoa học (NCKH).

Lãnh đạo Học viện Hậu cần và các cơ quan kiểm tra huấn luyện của học viên đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội trình độ đại học.  Ảnh: BÙI DINH.

Đảng ủy học viện có nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định trong GD-ĐT, bảo đảm chính quy, thống nhất, hiệu quả. Chỉ đạo công tác tuyển sinh, xét tuyển đầu vào các đối tượng chặt chẽ, đúng quy định, tiêu chuẩn, chất lượng. Công tác đào tạo, quản lý, rèn luyện học viên được duy trì nghiêm túc, đạt kết quả tốt. Học viên tốt nghiệp ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt; năng lực chuyên môn khá, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ hậu cần, tài chính quân đội. Qua khảo sát ở các đơn vị trong toàn quân có: 96,1% học viên đào tạo cấp trung, sư đoàn; 95,2% học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ra trường hoàn thành khá, tốt chức trách nhiệm vụ.

Đảng ủy, Ban giám đốc học viện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng NCKH, biên soạn giáo trình, tài liệu và thông tin khoa học quân sự, xuất bản tạp chí gắn với GD-ĐT. Nhiệm kỳ qua, học viện tập trung nghiên cứu, đề xuất với Tổng cục Hậu cần, BQP nhiều vấn đề về công tác hậu cần liên quan trực tiếp đến ăn, ở, mặc, môi trường, đối với các lực lượng, các nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đơn vị và yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội. Phong trào Tuổi trẻ sáng tạo ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng các công trình NCKH, một số đề tài, sáng kiến được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn đạt hiệu quả tốt. Nhiệm kỳ qua, học viện hoàn thành 5 đề tài cấp BQP; 50 đề tài, sáng kiến cấp ngành; 95 đề tài, sáng kiến cấp học viện; 337 đề tài, sáng kiến Tuổi trẻ sáng tạo; chuyển giao, ứng dụng 76 đề tài, sáng kiến kỹ thuật. Tập trung nghiên cứu, biên soạn 403 giáo trình, tài liệu, kịp thời phục vụ công tác GD-ĐT và NCKH.

Những kết quả của nhiệm kỳ qua là tiền đề để nhiệm kỳ tới, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH, xây dựng Đảng bộ học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng học viện VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng là trung tâm GD-ĐT cán bộ hậu cần, tài chính và NCKH của quân đội và quốc gia.

Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ học viện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện thống nhất, coi công tác nhân sự là then chốt, có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu xây dựng học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Thời gian qua, Thường vụ Đảng ủy học viện làm tốt công tác kiện toàn cán bộ các cấp, bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, dân chủ, minh bạch; có số lượng, cơ cấu phù hợp, chất lượng tốt. Tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị các văn kiện đại hội, trên cơ sở lấy ý kiến góp ý và thảo luận nghiêm túc tại đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường vụ QUTƯ, Thủ trưởng BQP, Tổng cục Chính trị và các cơ quan BQP; Thường vụ Đảng ủy học viện đã hoàn thiện dự thảo các văn kiện, bám sát chủ đề đại hội “Xây dựng Đảng bộ TSVM; học viện VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”; đổi mới, sáng tạo, xây dựng nhà trường thông minh, thực hiện dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất, nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và trên tinh thần “đánh giá đúng thực trạng, dự báo sát tình hình để có những giải pháp phù hợp trong tình hình mới”.

Quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch của QUTƯ, BQP về công tác GD-ĐT, những năm tới, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá, tạo sự chuyển biến về nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong đó, tập trung lãnh đạo chặt chẽ việc xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra môn học, đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cho các đối tượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông, nội dung không trùng lặp ở các cấp học, bậc học; phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo với từng đối tượng, sát thực tế đơn vị, sự phát triển của nghệ thuật quân sự và sự phát triển về lý luận và thực tiễn ngành hậu cần, tài chính quân đội, bảo đảm hậu cần cho các tình huống chiến tranh công nghệ cao, an ninh phi truyền thống. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng đề thi, đáp án gắn với chuẩn đầu ra môn học. Kết hợp nhiều hình thức nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn đơn vị của đội ngũ nhà giáo và thực tập của học viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo toàn diện, đủ số lượng theo biên chế, có chất lượng tốt và cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và BQP. Từng bước triển khai xây dựng “Nhà trường thông minh”; triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ NCKH, gắn với nhiệm vụ GD-ĐT; mở rộng, liên kết, hợp tác chặt chẽ công tác NCKH với Tổng cục Hậu cần, các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, các đơn vị trong toàn quân; tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham mưu đề xuất với QUTƯ, BQP về chế độ dinh dưỡng, bảo đảm nuôi dưỡng bộ đội, phương thức bảo đảm hậu cần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quân đội. Lãnh đạo xây dựng học viện luôn vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là trung tâm GD-ĐT, NCKH hậu cần, tài chính quân sự có uy tín của quân đội và đất nước.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN HÙNG - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hậu cần