Hôm nay (3-11), tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân bão Linda. Trước đó, ngày 30-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chia buồn đến gia đình các nạn nhân bão Linda.

Nam Bộ xưa nay được coi là vùng đất lành, rất hiếm khi xảy ra bão. Cũng vì thế nên công tác phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân trong cơn bão Linda rơi vào thế bị động, chủ quan, lúng túng, mạng lưới thông tin thiếu và yếu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến những con số về thiệt hại do bão Linda tăng cao. Sau 20 năm, thiệt hại to lớn về vật chất từ cơn bão Linda đã dần được khắc phục, nhưng nỗi đau về sinh mạng đồng bào, chiến sĩ ta thì không có gì bù đắp được.

leftcenterrightdel
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp ngư dân chằng néo tàu thuyền trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn  

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 12 và ATNĐ, Thủ tướng đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu rút kinh nghiệm cơn bão Linda năm 1997, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển...

So với 20 năm trước, điều kiện cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin... hiện nay đã có những tiến bộ vượt bậc. Các cấp, các ngành và bà con ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão, triều cường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Chính quyền các địa phương ven biển Nam Bộ đã ra lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ chiều 2-11, kêu gọi chủ các phương tiện đang đánh bắt trên biển khẩn trương vào vị trí tránh trú an toàn. Thông tin về diễn biến thời tiết được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Liên tục trong thời gian qua, các vùng trên cả nước ta, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc, miền Trung dồn dập hứng chịu các trận bão, lụt với cường độ khốc liệt. Dù hậu quả thiên tai rất nặng nề, nhưng công bằng mà nói, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự chủ động phòng, chống thiên tai của các lực lượng, địa phương thì hậu quả còn lớn hơn rất nhiều.

Khác với miền Bắc và miền Trung, Nam Bộ là vùng đồng bằng sông nước, rất ít khi bão nhưng khi có bão lớn thì phạm vi thiệt hại rất rộng lớn. Thiên tai diễn biến khó lường. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, yếu tố quyết định là công tác phòng tránh. Sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và tinh thần tự chủ, tự giác, ý thức phòng, chống thiên tai, thảm họa của người dân... là những giải pháp trực tiếp, cấp bách trong bối cảnh nhiệm vụ phòng, chống bão số 12 chỉ còn tính bằng giờ.

Không để tái diễn thảm họa bão Linda là quyết tâm, là mệnh lệnh của Chính phủ. Các lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, trực tiếp là lực lượng tại chỗ của các địa phương, các cơ quan chức năng, đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn Nam Bộ, Nam Trung Bộ... sát cánh cùng nhân dân bắt đầu từ những công việc cụ thể nhất, cần kíp nhất để đạt được mục tiêu cao nhất, bảo đảm an toàn sinh mạng và giảm tối đa thiệt hại về kinh tế khi bão đổ bộ...

PHAN TÙNG SƠN