Không riêng tỉnh Bình Thuận, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc đang diễn ra ở nhiều địa phương và có chiều hướng gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất trong thời gian qua là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang, chiếm gần 39% tổng số người thôi việc trong cả nước.

Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc đang diễn ra ở nhiều địa phương và có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa: Vnexpress

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại diễn ra tình trạng này?

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính khiến cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc một phần là do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là chế độ tiền lương, đãi ngộ chưa tương xứng, cùng với đó là các quy định của pháp luật hiện hành cho việc thực thi công vụ còn nhiều chồng chéo, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý sợ sai khi thực hiện, nhất là ở những công việc nhạy cảm. Môi trường kém linh hoạt và việc thăng tiến ít dựa vào đóng góp, năng lực cụ thể cũng là nguyên nhân. Bởi vậy, cán bộ, công chức, viên chức xin ra ngoài để có thu nhập cao hơn là thực trạng đang diễn ra khá phổ biến.

Nhiều người cho rằng, làm việc trong khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân đều được, ở đâu có môi trường tốt, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống thì họ sẽ “đầu quân”.

Từ thực tế trên, đã đến lúc Đảng, Nhà nước cần có chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với năng lực, chuyên môn công tác và theo hướng lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu.

Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải cách tiền lương theo lộ trình; xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm khuyến khích, trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thực đức và tài. Quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác và cống hiến.

Đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; bổ nhiệm, phân công công việc hợp lý, khoa học, bảo đảm phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, trình độ đào tạo, phát huy được năng lực, sở trường công tác nhằm góp phần giảm căng thẳng, áp lực trong công việc; đặc biệt, cần đổi mới phương pháp đánh giá, sử dụng theo hướng phân phối theo lao động, có thước đo cả định tính và định lượng hiệu quả, có cơ chế phát huy năng lực cá nhân; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch... là những phương cách không chỉ để giữ chân mà còn tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, cống hiến. 

Phòng, chống "chảy máu chất xám" ở khu vực công cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

SƠN BÌNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.