Dự án luật đã được trình Quốc hội xem xét 3 lần nhưng chưa thể thông qua, bởi còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Đây là sự thận trọng cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Đất đai là nguồn lực rất lớn và quan trọng. Đến nay, nguồn lực đất đai đã góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát của các cơ quan hữu quan, nguồn lực đất đai vẫn còn chưa được sử dụng hiệu quả, để hoang hóa, gây lãng phí ở nhiều nơi; tình trạng tham nhũng, sai phạm liên quan tới đất đai vẫn còn nhức nhối.

leftcenterrightdel

Sáng 15-1-2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu. Ảnh: TTXVN 

Có những nơi, nguồn lực đất đai bị ách tắc vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nhà đầu tư còn đang "nghe ngóng" chính sách mới khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Đặc biệt, người dân trong khu vực quy hoạch treo đang mong mỏi từng ngày dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để họ sớm thoát khỏi tình cảnh "đi không được, ở không xong", không thể chuyển nhượng để chuyển nơi ở, cũng chẳng thể xây dựng hay sửa chữa nhà ở xuống cấp, dột nát, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng bị ảnh hưởng nghiêm trọng... 

Trước sự bức thiết từ yêu cầu cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sát sao các cơ quan hữu quan làm việc không kể ngày đêm, trong thời gian gấp rút đã kịp rà soát cả về kỹ thuật và nội dung của toàn bộ dự án luật, bảo đảm chất lượng ở mức tốt nhất theo yêu cầu, thống nhất quan điểm, kịp thời trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đến nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Mọi vấn đề đại biểu Quốc hội, ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan nêu ra đều được nghiên cứu, giải trình kỹ lưỡng, kể cả những ý kiến được tiếp thu hay không được tiếp thu. Do có liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của mọi chủ thể trong xã hội nên không thể tránh khỏi có sự va chạm lợi ích giữa các nhóm chủ thể và khó có thể làm hài lòng ở mức tuyệt đối với tất cả mọi người. Đã đến lúc chúng ta cần gút lại mọi vấn đề theo hướng hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Đã đến lúc, Quốc hội cần xác quyết thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý ổn định để khơi thông nguồn lực đất đai; tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật, tăng cường chỉ đạo, điều hành, hướng tới năm 2030 sẽ khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại như mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra...

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.