Báo cáo mới đây của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có tới gần 9.400 nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập xin thôi việc, bỏ việc. Hàng trăm trường học công lập đang thiếu nhân viên y tế. Việt Nam tự hào là quốc gia có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở với quy mô hàng đầu thế giới nhưng hiện đang có rất nhiều trạm y tế không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe cho người dân từ sớm, từ xa bởi thiếu thầy thuốc và trang thiết bị...
Nguyên nhân dẫn đến khoảng trống ngành y, nhất là khoảng trống trong y tế công lập có nhiều, trong đó, nguyên nhân quan trọng là do cường độ làm việc của các thầy thuốc cao mà thu nhập lại không tương xứng. Theo nghiên cứu mới đây của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: Tiền lương trung bình của nhân viên y tế công lập vào khoảng 7,36 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với tiền lương trung bình của ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (hơn 9,6 triệu đồng/tháng). Lương thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trạm y tế không thu hút được nhân viên y tế, nhất là bác sĩ về trạm y tế ở các xã, phường. Bên cạnh đó, do quản lý lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên "xà xẻo, chấm mút, chia chác" và "cơn bão Việt Á" khiến hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu dè dặt cung cấp, tạo ra khoảng trống về thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập. Thực tế đang diễn ra trào lưu người bệnh chuyển dịch từ các bệnh viện công sang bệnh viện tư, dẫn đến nhiều tuyến y tế cơ sở, thậm chí cả bệnh viện cấp tỉnh, không còn nhiều người tìm tới khám, chữa bệnh.
 |
Các y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: Thúy An |
Khoảng trống ngành y không những tạo ra sự hẫng hụt trong ngành mà còn tác động lớn đến xã hội, ảnh hưởng đến sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, thành quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng trong rất nhiều năm qua.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành y, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp thiết thực về nhân lực, cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế; ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề pháp lý của ngành y tế. Tuy nhiên, trước khoảng trống quá lớn trong lĩnh vực y tế công lập, rất cần những quyết sách cấp bách về tiền lương, tiền công của các thầy thuốc; về chính sách thu hút nhân tài ngành y; về cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế...
Y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội. Nghề y là nghề đặc biệt cao quý. Người làm công tác khám, chữa bệnh được cả xã hội tôn vinh gọi bằng thầy. Trước “sóng gió” và khoảng trống, ngành y hiện nay rất cần sự chung sức, chung tay, sự động viên, chia sẻ, đồng cảm của nhân dân cả nước. Các thầy thuốc đang rất cần sự đồng hành, sẻ chia của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân dân. Gia đình nào cũng đều có thể giúp ngành y đỡ vất vả bằng cuộc sống an toàn. Bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ gánh nặng với các thầy thuốc bằng cách tự chăm sóc tốt sức khỏe, hạn chế tai nạn, bệnh tật.
Sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, của nhân dân đang là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm không quản ngại vất vả, hiểm nguy để chiến đấu với bệnh tật, vững lòng thực hiện nhiệm vụ cao cả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
ĐỖ PHÚ THỌ