Khoảng trống này không dễ gì lấp đầy trong thời gian ngắn nếu không có chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn. Các địa phương đang nỗ lực tìm và triển khai giải pháp cụ thể nhằm "giữ chân" nhân viên y tế trong hệ thống bệnh viện công lập.
Vất vả nhưng thu nhập không bảo đảm cuộc sống
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 nhân viên y tế tại các CSYT công lập xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức ngành y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng... Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ năm 2019 đến nay, hơn 600 y sĩ, bác sĩ làm việc tại các CSYT công lập ở tỉnh này nghỉ việc. Từ tháng 1-2022 đến ngày 30-4-2022, toàn ngành y tế TP Hà Nội đã có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công tác... Trước tình trạng nêu trên, mới đây, Chính phủ giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam rà soát, nắm chính xác số lượng nhân viên y tế ở từng CSYT công lập thôi việc, chuyển việc; số tuyển mới từ năm 2021 đến tháng 6-2022 nhằm có biện pháp xử lý hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: "Số nhân viên y tế của thành phố nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng (1-2021 đến 6-2022) là gần 900, tập trung ở một số bệnh viện lớn, như: Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang. Đó là những người có bằng đại học, tay nghề cao và đa số dịch chuyển sang khối y tế ngoài công lập. Nguyên nhân phần lớn họ nghỉ do công việc quá vất vả sau hai năm chống dịch Covid-19. Mặt khác, khi các cơ sở y tế tập trung phòng, chống dịch thì không có thêm nguồn thu, nhất là với những nơi tự chủ, từ đó cán bộ y tế không có thu nhập thêm, chủ yếu sống bằng tiền lương. Hiện cán bộ, nhân viên trung tâm y tế thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng; khối bệnh viện lớn 11-12 triệu đồng/tháng. So với bệnh viện tư, mức thu nhập này là quá thấp".
 |
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai trao đổi phương án điều trị cho bệnh nhân ẢNH: MAI THANH |
Ở tuyến Trung ương cũng không ngoại lệ. Năm 2020-2021, tại Bệnh viện Bạch Mai đã có hơn 200 y sĩ, bác sĩ xin nghỉ việc, chuyển việc, trong đó có cả giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Thực trạng đó cho thấy, đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ nguồn nhân lực y tế từ bệnh viện công lập về các CSYT ngoài công lập, khiến “đứt gãy” quá trình vận hành tại các CSYT công lập.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng nghìn nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, chủ yếu là do: Thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các CSYT dự phòng và y tế cơ sở. Chính sách thu hút nguồn nhân lực của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu tốt hơn, đãi ngộ cao hơn...
Làm gì để "giữ chân" nhân viên?
Tăng thu nhập, các chế độ đãi ngộ và phát triển bản thân đang là bài toán ngành y tế phải tính toán để "giữ chân" nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến CSYT. Bởi khi nhân viên y tế rời bỏ khu vực công lập, đồng nghĩa người bệnh sẽ chịu thiệt thòi. Theo một nghiên cứu mới đây của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: Tiền lương trung bình của nhân viên y tế công lập khoảng 7,36 triệu đồng/tháng. Lương thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trạm y tế không thu hút được nhân viên y tế, nhất là bác sĩ về trạm. Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã gửi đề xuất giải pháp để tăng thu nhập cho nhân viên y tế với các nội dung: Nâng hệ số lương khởi điểm của bác sĩ từ 2,34 lên 2,67, tức tăng một bậc lương; nâng mức phụ cấp 20-70% hiện nay lên 100%, mở rộng nhóm người được hưởng phụ cấp; cần có chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù...
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Muốn biết được thực trạng của việc dịch chuyển nguồn nhân lực y tế từ khu vực công sang khu vực tư thì phải có đánh giá tổng thể, khảo sát kỹ từ phạm vi, lứa tuổi, nguyên nhân của việc dịch chuyển. Chỉ đến khi nắm được nội hàm thực trạng sâu sắc thì mới có thể đánh giá hết được mức độ của vấn đề này. Từ đó mới dễ dàng tìm ra nguyên nhân.
Có quá nhiều vấn đề cần phải phân tích, mổ xẻ để giải quyết được căn cơ, gốc rễ vấn đề nhân viên y tế rời bỏ khu vực công sang khu vực tư nhân. Một trong những nguyên nhân ấy là tại sao người bệnh đang chuyển dịch từ các bệnh viện công sang bệnh viện tư, để đến mức nhiều tuyến y tế cơ sở, thậm chí bệnh viện cấp tỉnh, không còn nhiều người tìm tới khám, chữa bệnh, trong khi khối bệnh viện tư đang thu hút bệnh nhân ngày một nhiều hơn? Do trang thiết bị lạc hậu, do trình độ nhân viên y tế hay do chất lượng dịch vụ chưa tốt?
Thực tế cũng có không ít bác sĩ giỏi sau một thời gian làm việc ở bệnh viện công, khi đủ điều kiện về kinh tế và kinh nghiệm, họ rời bỏ bệnh viện công để ra ngoài tự thành lập bệnh viện, phòng khám tư để vừa phát huy được năng lực, sở trường, vừa có thu nhập cao hơn, lại vừa chủ động được mọi việc. Bên cạnh thu nhập, câu chuyện về môi trường làm việc và cung cách quản lý chưa thực sự phù hợp cũng là nguyên nhân khiến bác sĩ, nhân viên y tế rời bỏ khu vực y tế công lập để chuyển dịch sang khu vực y tế tư nhân. Do vậy, rất cần có những nghiên cứu toàn diện để lý giải tận gốc, căn nguyên của vấn đề, từ đó mới tìm được giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Nếu không, mọi giải pháp chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng và bệnh viện công, nhất là bệnh viện công tuyến cơ sở, sẽ tiếp tục vắng bóng bệnh nhân; không chiêu mộ và "giữ chân" được bác sĩ, nhân viên y tế giỏi...
DIỆP CHÂU