Do hạn chế vốn, doanh nghiệp khó khăn trong duy trì sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm sau cũng như việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn, nhưng nay các ngân hàng không giải ngân vì giới hạn của hạn mức cho vay. Điều này khiến doanh nghiệp cũng không thể ký kết hợp đồng mới, có nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi do thiếu vốn để đầu tư máy móc, công nghệ mới trước những đòi hỏi từ các thị trường khó tính. Thiếu vốn khiến doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn trong thu mua nông sản... Có lẽ khó khăn nhất là các doanh nghiệp bất động sản, vì những vụ án trong lĩnh vực này thời gian qua đã tác động mạnh, gây mất niềm tin nên các dòng vốn cho bất động sản đều ách tắc. Không chỉ thế, sự sụt giảm niềm tin với các doanh nghiệp bất động sản đã ảnh hưởng tới cả loại hình doanh nghiệp khác, khiến doanh nghiệp không thể sử dụng trái phiếu là kênh huy động vốn. Thị trường chứng khoán thì đang giảm giá, làm trầm trọng thêm khó khăn về kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Vietnamplus.vn

"Khát" vốn cùng những vấn đề từ trước đó khiến phần lớn doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam rơi vào tình thế chông chênh. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nền tảng chống chịu tốt hơn, không phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng trong nước nên đang nắm lợi thế. Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, xuất khẩu 9 tháng năm 2022 của các doanh nghiệp trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ, còn các doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng trưởng 14,1%. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ nới rộng khoảng cách giữa doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp FDI, làm sụt giảm sức cạnh tranh thực chất của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Không loại trừ khi doanh nghiệp Việt Nam suy yếu sẽ là cơ hội cho các thương vụ mua bán, sáp nhập của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Không thể phủ nhận những khó khăn mang tính khách quan từ tình hình chung của thế giới. Chống lạm phát đang là cuộc chiến của nhiều nền kinh tế lớn khiến nhiều ngân hàng Trung ương có xu hướng hút tiền về, bảo đảm sự an toàn tài chính, tiền tệ. Một số nền kinh tế lớn đang đứng trước nguy cơ suy thoái, quy mô nền kinh tế thu hẹp hơn so với trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 13,67% trong quý III vừa qua và dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt khoảng 8%. Đó là điều rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn chung.

Thế nhưng, trong lúc này cần có biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trước sự tắc nghẽn về dòng tiền. Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19 như: Giảm 2% VAT; giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... Theo các chuyên gia kinh tế, một số giải pháp cấp thiết cũng nên được nghiên cứu, tính toán thực hiện trong khoảng thời gian nhất định là: Cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh, uy tín cao; nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất xuất khẩu chủ lực, sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng với bất động sản là một động thái cần thiết sau những rủi ro trong thời gian qua. Nhưng bất động sản là lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế, là đầu ra của nhiều ngành sản xuất như: Thép, xi măng, sản xuất đồ gia dụng... Do đó, nên phân tách các loại bất động sản, để các dự án xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng bệnh viện, trường học, xây dựng hạ tầng sản xuất... không bị thiếu vốn, từ đó nhiều ngành sản xuất quan trọng mới tìm được đầu ra.  

Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, dòng tiền của doanh nghiệp đã suy kiệt. Vì thế, doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là các biện pháp giải "cơn khát" vốn.

HỒ QUANG PHƯƠNG