Cụ thể, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên các cấp học ở hầu hết địa phương. Trong khi đó, Bộ Nội vụ lại cho hay, đến năm 2023, cả nước còn hơn 64.000 biên chế giáo viên chưa được tuyển dụng. Đó mới chỉ là thống kê, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp hoặc chỉ dạy hợp đồng với số tiền lương ít ỏi.
Thật khó hiểu khi giáo dục luôn được ưu tiên và hằng năm đều có các đề xuất, kiến nghị nhưng thực trạng thiếu giáo viên vẫn chưa thể giải quyết, thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Có phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo hay địa phương không quan tâm đến vấn đề này? Câu trả lời là không hẳn thế.
Bởi trước tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục từ cấp trường cho tới cấp bộ nhiều lần đã đề nghị không cắt giảm biên chế một cách cơ học với ngành giáo dục. Để thu hút giáo viên, một số địa phương đã có chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi đội ngũ giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật... với sự đãi ngộ ban đầu như hỗ trợ 100 triệu đồng.
Ghi nhận những nỗ lực "gỡ nghẽn" của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nhưng tình trạng thiếu giáo viên mãi cứ dai dẳng thì phải nhận định rằng các giải pháp trên đúng nhưng chưa đủ. Dự thảo Luật Nhà giáo đang xin ý kiến có một nội dung được đánh giá là mang tính đột phá, đó là giao cho ngành giáo dục quyền quyết định trong tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trong các cơ sở công lập, thay vì ngành nội vụ và UBND các cấp như hiện nay. Nếu làm được điều này, tình trạng thừa-thiếu giáo viên như hiện nay sẽ được khắc phục. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần linh hoạt đào tạo thêm nhiều hệ khác nhau để lấp vào chỗ trống hoặc kêu gọi biên chế tự nguyện sinh viên năm thứ nhất từ ngành đang bão hòa sang ngành sư phạm đang cần. Cùng với đào tạo, cần có chính sách tiền lương hợp lý, các chính sách ưu tiên kèm theo như nhà ở, phụ cấp... đối với giáo viên đồng ý giảng dạy ở các vùng sâu, vùng xa, khó khăn...
Để thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm, lỗi không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn cả các bộ, ngành liên quan. Vì thế đòi hỏi các cấp, ngành cần tích cực, chủ động bàn bạc, thảo luận và sớm thống nhất hành động, tất cả vì sự nghiệp trồng người. Thậm chí, nếu đơn vị, cơ quan liên quan chậm trễ, gây khó khăn, phải kiểm điểm trách nhiệm... Có như vậy mới thực sự đáp ứng theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” đã được Đảng, Nhà nước ta xác định từ sớm.
THÚY AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.