Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu thuộc hai lực lượng trên đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Trước đó, năm 2021, Tổng cục Hậu cần đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cấp bách giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, Quân ủy Trung ương đã nhất trí về chủ trương đầu tư 27 dự án của 14 đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, bắt đầu thực hiện từ năm 2022. 

Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2021, mới có gần 18% đội ngũ sĩ quan quân đội được tham gia các dự án nhà ở xã hội và gần 37% được bảo đảm nhà ở công vụ. Đối với lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều. Vì thế, những thông tin, tín hiệu về chính sách nhà ở cho LLVT rất đáng mừng, gieo niềm hy vọng cho đông đảo sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức, lao động trong LLVT nói chung, trong các đơn vị quân đội nói riêng.

Tại hội nghị Ban chỉ đạo chính sách nhà ở Bộ Quốc phòng mới đây, đại diện Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần) cho biết, đến nay, quỹ nhà ở công vụ trong quân đội còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Dù rất quyết liệt triển khai xây dựng, song trong năm 2021, toàn quân chỉ có 3 dự án nhà ở công vụ hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng số 475 căn hộ. Các ý kiến tại hội nghị đều có chung đánh giá: Công tác chính sách nhà ở trong quân đội ngày càng khó khăn khi triển khai thực hiện vì liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; quá trình triển khai thực hiện còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, từ thủ tục cấp phép đầu tư đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hay sự “vênh nhau” giữa các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách nhà ở đối với các đối tượng trong LLVT...

Để đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng sớm được thụ hưởng chính sách nhà ở theo đúng quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng hiện hành, các ban, bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương vào cuộc, quyết liệt, rốt ráo trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án nhà ở đối với LLVT, nhất là hiện nay quỹ đất xây dựng hạn hẹp, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều...

Đối với các địa phương, quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, có chính sách ưu đãi, bảo đảm cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở trong LLVT nói chung, quân đội nói riêng được tiếp cận, thuê, mua nhà ở với mức chi phí phù hợp. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần tích cực nghiên cứu, tham mưu đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền, tham gia với bộ, ngành, địa phương về chính sách nhà ở; rà soát, thống kê nhu cầu sử dụng nhà ở, đất ở của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức, lao động, xây dựng, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, giúp họ “an cư”, yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong quân đội.

VĂN CHIỂN