Việt Nam là quốc gia đa tộc người. Mỗi tộc người có nền văn hóa, nét văn hóa riêng, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú; trong đó, trang phục là một thành tố của văn hóa, phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi tộc người.
Ngày nay, rất ít người DTTS sử dụng trang phục truyền thống của tộc người mình trong sinh hoạt hằng ngày, thay vào đó là xu hướng mang mặc hiện đại, tiện dụng. Một số bạn trẻ thừa nhận cảm thấy ngượng ngùng khi mặc trang phục truyền thống. Thực tế này khiến trang phục truyền thống của các DTTS dần bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất trong cộng đồng.
 |
Ảnh minh họa: hvdt.edu.vn |
Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa cho rằng, thực trạng mai một của trang phục truyền thống DTTS rất đáng lo ngại. Qua đó cho thấy bản sắc văn hóa của các DTTS đang bị “pha loãng” và công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả.
Có thể nói, điều kiện sống thay đổi, sự giao thoa văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta không thể đòi hỏi đồng bào DTTS phải mang mặc như xưa nhưng truyền thống, cốt cách, bản sắc văn hóa thì không thể để phai nhạt và mất đi. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã dành riêng một dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần khẳng định, phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" với thông điệp “văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Thế nên, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần phải định vị được trang phục truyền thống trong cuộc sống hiện đại, từ đó có chủ trương, chính sách, giải pháp bảo tồn, phát triển phù hợp với xu hướng của thời đại. Muốn vậy, các địa phương cần tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ tự hào và chung tay bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các DTTS.
Các địa phương nên đưa trang phục truyền thống vào chương trình học giáo dục lịch sử địa phương; đồng thời khuyến khích giới trẻ thường xuyên mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ, tết, cưới, hỏi. Mặt khác, các địa phương cũng cần coi trọng phát triển nghề dệt thổ cẩm rộng khắp và khôi phục lễ hội của các DTTS gắn với du lịch cộng đồng.
Xuân mới Quý Mão đang cận kề, các địa phương nên tổ chức các liên hoan, trình diễn trang phục truyền thống; đồng thời tận dụng tốt cơ hội phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội để lan tỏa tình yêu, niềm tự hào, giá trị văn hóa của trang phục truyền thống trong cộng đồng. Giữ gìn trang phục truyền thống chính là giữ gìn cốt cách và giá trị văn hóa của dân tộc Việt nói chung, đồng bào DTTS nói riêng.
NGUYỄN ANH SƠN