Vì vậy, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS rất được coi trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã có nhiều chủ trương, cách làm sáng tạo, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS của địa phương.
Xa rồi những..."không"
Chỉ hơn 5 năm trước, nhắc đến xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là người ta nghĩ ngay đến một “ốc đảo” với hạ tầng KT-XH thấp kém, giao thông đi lại khó khăn và người dân gần như chưa được hưởng các dịch vụ tiện ích của cuộc sống hiện đại. Nhưng nay, Mô Rai có sự vươn mình mạnh mẽ, Quốc lộ 14C được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đã kết nối Mô Rai với các địa phương trong vùng, tạo tiền đề xây dựng các thôn, làng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu ở vùng đồng bào DTTS.
 |
Phụ nữ dân tộc thiểu số làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: ĐỨC THỤY
|
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Dũ, Chủ tịch UBND xã Mô Rai phấn khởi nói: "Nhìn vào chỉ số phát triển của các thôn, làng thì sẽ thấy được Mô Rai có sự khởi sắc như thế nào, ví dụ như: Thôn Ia Xoăn về đích NTM năm 2020, đến nay, 218 hộ với 776 nhân khẩu của thôn không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nữa, nhiều hộ mua được ô tô riêng giá trị lớn; 100% hộ có nhà bảo đảm tiêu chuẩn “3 cứng”; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, sử dụng điện, trẻ em đến lớp đều đạt 100%. Thôn Ia Ho, Ia Tri cũng đạt được các tiêu chí tương tự như vậy. Đặc biệt, đồng bào Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai) đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế và thực hiện nếp sống văn minh, rời xa các tập tục lạc hậu, có nhiều hộ làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình A Khải, A Thái, A Chấp, A Thu, A GLôi".
KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai có sự bứt phá ngoạn mục, tính đến tháng 6-2022, tỉnh Gia Lai đã có 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó 104 thôn, làng đồng bào DTTS; các làng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đều có sự thay đổi ấn tượng. Nếu như trước năm 2018, 4 làng: Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 8 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng lên hơn 25 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo từ hơn 60% đã giảm xuống dưới 26% (theo chuẩn nghèo đa chiều) và vẫn đang tiếp tục giảm.
Ông Nay Jang là một trong những hộ dân được tỉnh Gia Lai di dời từ núi Cheng Leng (xã Hbông, huyện Chư Sê) xuống định cư tại khu quy hoạch của 4 làng: Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng. Từ cuộc sống “6 không” (không điện, không nước sạch, không trường học, không trạm y tế, không hộ khẩu, không có tài sản), nhờ sự hỗ trợ của địa phương, hiện ông Nay Jang đã có nhà ở kiên cố và 5 con bò sinh sản, 1ha lúa, 2ha sắn, cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng, các con được đến trường học hành đầy đủ. “Mới gần 5 năm thôi, từ núi Cheng Leng về định cư trong làng NTM mà cuộc sống của gia đình tôi lại thay đổi nhanh như vậy. Tôi biết ơn Đảng và chính quyền các cấp đã quan tâm, chăm lo cho cuộc sống của đồng bào DTTS”, ông Nay Jang xúc động nói.
Quyết tâm chính trị cao, cách làm hiệu quả
Từ thực tiễn cho thấy, KT-XH vùng đồng bào DTTS của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đạt được nhiều thành tựu quan trọng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chương trình mục tiêu quốc gia; các chủ trương, chính sách đồng bộ, quyết liệt trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Song, nhân tố then chốt là quyết tâm chính trị cao, cách làm hiệu quả của cấp ủy, chính quyền hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum.
 |
Người dân xã Ia Băng (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) vui mừng vì cà phê năm 2022 được mùa. Ảnh: ĐỨC THỤY |
Nhận thấy “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS là tâm lý tự ti, trông chờ, ỷ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hủ tục, thói quen, trình độ canh tác lạc hậu của đồng bào, hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Cuộc vận động đã huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò tích cực của đơn vị quân đội và toàn xã hội vào cuộc tiến hành tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để làm thay đổi nhận thức, tư duy của đồng bào. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, xây dựng đời sống văn hóa để thu hút, hướng dẫn và hỗ trợ đồng bào làm theo từ dễ đến khó, từng bước tạo ra kết quả để lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.
Chỉ hơn một năm triển khai, tỉnh Kon Tum đã có 9.346 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những tập tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 8.660 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao... Tỉnh Gia Lai xây dựng được 400 mô hình trên tất cả các lĩnh vực với gần 6.500 hộ DTTS tham gia và nhân rộng cho hàng chục nghìn hộ khác, giúp 29.528 hộ thoát nghèo bền vững.
Là người thường xuyên bám làng tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đồng chí Phan Thị Hà Tiên, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cho rằng: “Cuộc vận động là một giải pháp đột phá trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS; một cách làm hay, sáng tạo của tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tại huyện Sa Thầy, các mô hình: “Nuôi heo sọc dưa”; “Cây gáo vàng”; “Nuôi ếch lồng”; “Nuôi cá lồng”; “Trồng sầu riêng ghép theo hướng VietGAP”... đã mở ra nhiều triển vọng thoát nghèo bền vững cho đồng bào DTTS”.
Đồng chí Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) tâm đắc với Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”. Theo đồng chí Đinh Văn Dũng, Chỉ thị 12 vừa là điểm tựa vừa là động lực để các làng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hướng người dân đến cuộc sống ấm no. Đối với huyện Chư Prông, các cấp ủy còn ra nghị quyết chuyên đề phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS với những giải pháp đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho đồng bào DTTS.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 12, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch lại nhiều khu dân cư, đất ở, đất sản xuất, đất xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao; hỗ trợ xây dựng mới, xóa nhà tạm, chỉnh trang, sửa chữa, nâng cấp, di dời hàng nghìn nhà ở cho đồng bào; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người tại các thôn, làng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn NTM hơn 41 triệu đồng/người/năm... Ngày 18-2-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum cũng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM.
NGUYỄN ANH SƠN