QĐND - Những ngày này, các địa phương trên khắp mọi miền đất nước đang tưng bừng, náo nức tổ chức lễ giao quân, tiễn đưa các thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Đã từ lâu, ngày hội giao quân luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp ở địa phương quan tâm chu đáo. Không chỉ tuyên truyền rầm rộ, tổ chức lễ giao quân trọng thể, mà nhiều địa phương đã có những việc làm ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà, mở hội trại truyền thống, giao lưu văn hóa văn nghệ… để tạo không khí phấn chấn, động viên khích lệ thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Trong ký ức của nhiều thanh niên, ngày chia tay gia đình, quê hương vào quân đội đã trở thành những kỷ niệm đẹp đầu đời không dễ phai nhòa theo năm tháng.
Việc tổ chức ngày hội giao, nhận quân giữa các địa phương và đơn vị quân đội một cách trang trọng là một nét đẹp văn hóa cần lưu giữ, phát huy. Cùng với việc làm đó, chính quyền các cấp cần chăm lo tốt hơn chính sách hậu phương quân đội đối với đối tượng chiến sĩ nghĩa vụ. Vì trong thời gian qua, ở nơi này, nơi khác vẫn thường thiên về bề nổi, tức là tổ chức việc bàn giao quân rất linh đình, hoành tráng, nhưng lại chưa chú trọng đúng mức việc đón nhận chu đáo đội ngũ chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương. Một số chiến sĩ ra đi từ các doanh nghiệp khi về mất việc làm. Không hiếm nơi chỉ tổ chức lễ bàn giao quân là coi như xong, không ngó ngàng, đoái hoài tới gia đình, thân nhân chiến sĩ trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn, thậm chí không gặp gỡ, hỏi han khi họ đã làm tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước.
 |
Tiễn bạn lên đường nhập ngũ. Ảnh: Hoàng Hà |
Để động viên chiến sĩ yên tâm thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, bên cạnh sự chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng mọi mặt của quân đội, đòi hỏi phải có sự “vào cuộc” trách nhiệm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và toàn xã hội. Muốn vậy, các địa phương cần có những việc làm thiết thực như: Thường xuyên động viên, giúp đỡ gia đình chiến sĩ trong thời gian tại ngũ; định kỳ hằng năm cử đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) đến đơn vị thăm hỏi tình hình học tập, rèn luyện, công tác của chiến sĩ xuất thân từ địa phương mình; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn có chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi về công ăn việc làm cho bộ đội xuất ngũ để họ sớm ổn định cuộc sống…
Chăm lo chính sách hậu phương quân đội cả trước, trong và sau khi chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự cần được xác định là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền nói chung, trong công tác quân sự - quốc phòng của mỗi địa phương nói riêng. Đây là một trong những việc làm thiết thực nhằm góp phần động viên những lớp thanh niên kế tiếp sẵn sàng lên đường nhập ngũ, củng cố tiềm lực quốc phòng, bồi dưỡng sức dân, tăng cường gắn kết mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội. Lễ đón các công dân hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc ở các địa phương cần làm trang trọng không kém gì lễ đưa, bởi lẽ đó như một sự tôn vinh, một cách chào đón những công dân ưu tú nhất đã được "lửa thử vàng" qua môi trường quân ngũ, sẵn sàng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương gánh vác việc chung.
Thực ra làm những việc trên không khó. Một khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nặng lòng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và có sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc với những người đã làm tròn nghĩa vụ quân sự thì việc tổ chức tiễn đưa, thăm hỏi, động viên, đón nhận chiến sĩ sẽ được quan tâm đến nơi đến chốn và đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.
NGUYỄN VĂN HẢI