Nhìn một cách toàn diện thì kết luận trên chưa chuẩn, chúng ta không thể đánh giá ngành du lịch các tỉnh vùng Tây Nam Bộ một cách chung chung như vậy khi chỉ khám phá miền đất này bằng một chuyến đi ngắn ngày. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh nhỏ thì câu nói trên đã khái quát được rất nhiều điều cho những người làm du lịch vùng sông nước phải suy nghĩ, cân nhắc và định hướng để thu hút nhiều du khách đến trong tương lai.

Cụ thể như anh bạn kể thì sở dĩ nói “đi một biết mười” là nói đến sự lặp lại, rập khuôn, máy móc về các điểm du lịch vùng sông nước miền Tây vốn trù phú, đặc thù, mến khách.

Du khách thích thú với hoạt động du lịch của Đồng Tháp. 

Vốn dĩ yêu mến vùng sông nước trù phú, anh bạn và cả gia đình lên đường du lịch một tỉnh nằm ở đầu nguồn sông Tiền, cảm giác ban đầu thật thú vị khi được hướng dẫn lên thuyền lướt sóng trên sông, nghe câu vọng cổ, những trích đoạn cải lương trên một cù lao thơ mộng, đi thăm các bè nuôi cá, vườn trái cây... Rồi thưởng thức các món ăn dân dã như cá kho tộ, lẩu mắm, canh chua... Cảm giác thật bồng bềnh, lâng lâng khó tả.

Tuy vậy, cảm giác ấy như bị dội ngược khi du khách di chuyển đến một điểm mới, dưới mạn sông Hậu. Cũng lên thuyền, thăm vườn trái cây và ăn những món ăn quen thuộc của miệt sông Tiền trước đó.

Những năm gần đây, du lịch ĐBSCL khởi sắc về lượng khách đến ngày càng đông, điều đó cho thấy tiềm năng của ngành công nghiệp không khói này đang có sức hút, tuy nhiên chưa thực sự bứt phá mạnh mẽ. Trước những hạn chế trên, lãnh đạo các địa phương, những người làm du lịch cũng đã nhận ra, đâu đó có vài cuộc hội thảo, hội nghị nhằm đưa ra giải pháp để du khách không bị nhàm chán, nghỉ chân lại nhiều hơn. Tồn tại của ngành du lịch là: Các điểm đến còn đơn điệu, chưa có nhiều trải nghiệm và trùng lặp, bão hòa, chưa được đầu tư để tạo tầm ảnh hưởng quy mô lớn...

Trên thực tế, có sự trùng lặp khi tỉnh này phát triển chợ nổi, tỉnh kia cũng có; khu du lịch này triển khai thăm lồng bè nuôi cá trên sông, nơi khác cũng có... điều đó khiến du khách có tâm lý đến một nơi đã biết hết.

Rõ ràng là mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực đều có thế mạnh riêng và có thể khai thác những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, nhưng không phải nơi nào cũng tận dụng và phát huy được lợi thế của địa phương mình. Đi tìm hiểu nguyên nhân thì lãnh đạo một số nơi cho rằng, do địa phương chưa quy hoạch và định hướng cụ thể phát triển những thế mạnh mà địa phương mình đang có; hoạt động tự phát của các khu du lịch mà người dân bản địa lập ra chưa được tư vấn, chủ yếu làm theo những mô hình đã có sẵn...

Nhìn trên diện rộng thì hiện nay, ĐBSCL có 3 loại hình du lịch đặc trưng: Du lịch xanh, cảnh quan sông nước, sinh thái miệt vườn; du lịch nông nghiệp, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống và du lịch biển, đảo chất lượng cao. Những loại hình du lịch trên hầu như các địa phương trong khu vực đều biết và cũng đã vạch ra hướng đi nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, để cùng nhau ngồi lại, vạch ra định hướng phát triển theo hướng đặc thù, có sự phân chia, quy hoạch từng loại hình thì không phải lúc nào cũng làm được, chính vì vậy, các mô hình du lịch vẫn giậm chân tại chỗ và giẫm chân lên nhau.

Du lịch ĐBSCL còn nhiều hạn chế, nhất là về sản phẩm du lịch, mô hình độc đáo gắn với những thế mạnh của địa phương. Nếu không giải quyết được những vấn đề trên thì du lịch vùng Tây Nam Bộ vẫn luẩn quẩn, chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng và câu chuyện “đi một biết mười” sẽ vẫn còn tiếp diễn.

NGUYỄN BÁ