Vấn đề này đã được đề cập từ nhiều năm nay, đã có nhiều cuộc hội thảo, đề tài khoa học hiến kế tìm giải pháp để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, theo mục tiêu văn minh - hiện đại - nghĩa tình, xứng đáng với vị thế "đầu tàu".
Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020". Theo đó, thành phố được trao quyền thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hoặc những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, chủ đề trên là một trong những nội dung rất quan trọng của chương trình nghị sự. Nghị quyết về “Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh” đã được nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí đề xuất thông qua trong các phiên thảo luận. Việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh là một đòi hỏi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập. TP Hồ Chí Minh phải là đầu tàu trong thí điểm thực hiện các giải pháp đột phá về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết nêu trên trước phiên bế mạc.
Đường Võ Văn Kiệt, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Hơn 3 thập kỷ trước, cũng chính thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đã tiên phong thí điểm đổi mới, quản lý, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp. Sự thành công của TP Hồ Chí Minh với vai trò “đầu tàu” đã giúp Đảng ta sáng suốt vạch ra con đường đổi mới đất nước và đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, những năm gần đây, sự vượt trội của thành phố so với cả nước đã có những mặt chậm lại, thậm chí một số mặt bị tụt hậu. Thành phố hiện nay được ví như một cơ thể cường tráng đang bị bó buộc trong một cái áo cơ chế chật chội. Hàng loạt vấn đề bức xúc của đời sống xã hội như ngập lụt, hạ tầng giao thông quá tải, biến động dân số, ô nhiễm môi trường kênh rạch, chỉnh trang đô thị... đã và đang là vật cản lớn trong tiến trình phát triển. Muốn giải quyết rốt ráo những vấn đề này đòi hỏi phải có lộ trình căn cơ và nguồn lực kinh tế cực lớn. Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù chính là nhằm giúp thành phố phát huy tính năng động, tự chủ, tạo tiềm lực bứt phá về tăng trưởng kinh tế, đổi mới quản lý xã hội.
Nếu nghị quyết nêu trên được Quốc hội thông qua, sẽ là nguồn động lực mới, thể hiện mong muốn, nguyện vọng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên, tại các cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ, có cơ chế chính sách đặc thù phải đi kèm với trình độ, kỹ năng vận hành bộ máy. Mọi sự thể nghiệm, đi trước, đón đầu... đều cần sự táo bạo, bứt phá, nhưng phải thận trọng, có lộ trình bài bản, khoa học để tránh rủi ro, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.
Công dân TP Hồ Chí Minh và tất cả những ai yêu mến Thành phố mang tên Bác đều mong muốn thành phố sẽ giải quyết căn cơ những bất cập, bức xúc của đời sống kinh tế-xã hội, tạo bứt phá mạnh mẽ để phát triển, đổi mới, tạo diện mạo mới của một đô thị từng được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Khi “đầu tàu” được trang bị, nâng cấp động cơ, có cơ chế vận hành phù hợp, "con tàu đất nước" sẽ tăng tốc trong hành trình tiến về phía trước...
PHAN TÙNG SƠN