Thông tin, hình ảnh được phụ huynh chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy, những địa điểm như: Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị); Nghĩa trang Hàng Dương, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo; Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc... là những địa chỉ thu hút đông đảo du khách, nhất là các em trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Với mong muốn con em mình phát triển toàn diện, trưởng thành, làm người có ích cho xã hội, việc đưa các em, các cháu đến những nơi được coi là cõi thiêng của đất nước, không chỉ để tham quan, du lịch, mà thông qua đó để giáo dục nhân cách, lẽ sống cho thế hệ tương lai. Đó là hình thức giáo dục trực quan sinh động, tạo cho con em tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, mang lại hiệu quả cao ngay từ tổ ấm gia đình.

Khu tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc. Ảnh: TTXVN

Năm nay, cả dân tộc ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng, làm dày thêm, đầy thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. 75 năm thực hiện đạo lý tốt đẹp ấy đã hình thành nên giá trị đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc, đó là giá trị của lòng tôn kính, tri ân. “Cõi thiêng” là thuật ngữ được truyền thông đại chúng và mạng xã hội sử dụng rộng rãi trong những ngày này. Đó là cách lập ngôn vừa cô đọng, súc tích, vừa mang tính tượng trưng, khái quát, thể hiện giá trị thiêng liêng, tín ngưỡng linh thiêng của nhân dân ta.

Trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc từ bao đời nay, những người xả thân vì nghĩa lớn, hy sinh cho quê hương, đất nước đều trở nên bất tử. Dẫu thịt xương đã tan vào đất đai Tổ quốc, nhưng linh hồn, tinh thần, nghĩa khí thì còn mãi với thời gian. Nhiều anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sĩ đã “hóa Thánh” trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân. Những nơi các anh hùng, liệt sĩ yên nghỉ, dù đã được xây dựng tượng đài, nghĩa trang hay còn nằm đâu đó nơi núi cao, rừng thẳm; dù đã được lập mộ hay chưa tìm thấy hài cốt... cũng đều hóa cõi thiêng!

Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) hằng năm là khoảng thời gian ngưng tụ, lắng đọng những cảm xúc thiêng liêng của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Thời gian càng lâu, độ lùi của lịch sử càng xa thì những giá trị thiêng liêng ấy càng được chưng cất, đắp bồi thành nguyên khí quốc gia. Dọc theo chiều dài đất nước, không vùng miền nào thiếu vắng di tích lịch sử kháng chiến, không vùng quê nào không có nghĩa trang liệt sĩ, không dòng họ nào không có liệt sĩ, thương binh, không gia tộc nào thiếu người có công với cách mạng... Vì thế, cõi thiêng không chỉ nằm ở các nghĩa trang, di tích lịch sử, tượng đài... mà hiện diện ngay trên bàn thờ mỗi gia đình, trong nhà thờ các dòng họ, trong từ đường các gia tộc, trong trái tim, dòng máu của mỗi chúng ta.

Và cũng vì thế, trong khoảng thời gian lắng đọng tinh thần, nghĩa cử tri ân, mỗi nhà, mỗi người chúng ta, bằng khả năng và bổn phận của mình, hãy làm một điều gì đó thiết thực nhất, ý nghĩa nhất cho cõi thiêng của mình!

Cõi thiêng càng ấm thì nguyên khí càng thịnh, càng vun gốc sâu bền cho độc lập, tự do, hạnh phúc!

PHAN TÙNG SƠN