Trong đó, không thể không nhắc đến bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” của Huy Cận, sáng tác năm 1971. “Ngã ba Đồng Lộc” là một tác phẩm ấn tượng của thơ chống Mỹ bởi âm hưởng anh hùng ca cất lên từ hiện thực cuộc sống bi tráng và được đặt trong mối liên hệ, liên tưởng rộng lớn từ riêng đến chung, từ dân tộc đến nhân loại.

Trước hết, bài thơ mang một câu chuyện-một câu chuyện có thật ở Hà Tĩnh kể về những con người bình thường mà gan góc trong cuộc đọ sức với bom đạn kẻ thù. Câu chuyện này, đầu tiên người bố thi sĩ dành kể cho con mình với những tâm sự, dặn dò, nhắn gửi đầy ý nghĩa cao cả, tốt đẹp.

      Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,

      Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc. Đó là một ngã ba rất đỗi bình thường, chắc chắn sẽ chẳng mấy người biết đến nếu đế quốc Mỹ không gây chiến ở nước ta. Nó sẽ bị khuất lấp sau nhiều ngã ba nổi tiếng: Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu, sóng dựng trùng trùng/ Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to/ Như những mạch máu khổng lồ/ Trên thân hình Trái Đất/ Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói... Và Đồng Lộc đương nhiên không phải là ngã ba "nơi gặp gỡ của những dòng văn minh lớn, đông, tây, kim, cổ"... Nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dài lâu và gian khổ với rất nhiều hy sinh, mất mát, Ngã ba Đồng Lộc đã tỏa sáng tinh thần yêu nước, lừng lững ý chí ngoan cường chống giặc ngoại xâm của Việt Nam. Một "ngã ba làm bằng xương máu" như Huy Cận đã thốt lên.

Ngã ba Đồng Lộc. Để con đường chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam luôn được thông suốt, hàng trăm chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công... đã ngã xuống nơi đây khi tuổi đời còn quá trẻ. Mười cô gái thanh niên xung phong đã hóa thành mười vầng trăng trinh nữ sau một trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Bởi thế, ta không lấy làm lạ khi giọng thơ của Huy Cận trong “Ngã ba Đồng Lộc” luôn trầm lắng, mang nhiều thao thức lay động: Khi con về quê con nhớ viếng thăm/ Mộ mười cô kề bên đường đỏ/ Các cô như còn đứng đó/ Chờ lấp hố bom/ Đường thông xe các cô mới đi nằm... Thật huyền diệu khi mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc hóa thân thành niềm tin, tâm hồn của dân tộc, bất tử và trẻ trung bởi sự dâng hiến cao cả cho Tổ quốc thân yêu: Các cô để lại tuổi thanh niên/ Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi/ Cho đất nước, quê hương/ Hồn trong như suối,/ Bình minh đời sáng rực vừng dương...

Và đây nữa, đọc “Ngã ba Đồng Lộc” của Huy Cận, chúng ta hẳn sẽ nhớ mãi hình ảnh La Thị Tám, cô gái chuyên phát hiện bom nổ chậm để đội công binh đến phá. Bên cạnh mười cô gái thanh niên xung phong hy sinh anh dũng, La Thị Tám trở thành vầng sáng của thi phẩm. Cái hay của đoạn thơ là Huy Cận đã dựng nên cảnh gặp gỡ giữa người anh hùng với đứa con của mình như sự giao lưu, kết nối của hai thế hệ: Cô sẽ chỉ con xem/ Những hố bom loang lổ/ Như đất trên mặt trăng/ Mỗi thước vuông ba quả bom to bự./ Cô sẽ chỉ con xem/ Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm/ Cô từng đến cắm cờ/ Mỗi mỗi lần chạy đua với cái chết./ Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ... Từ hình ảnh cụ thể đó, nhân vật La Thị Tám đã trở thành một khái quát, một biểu tượng đẹp: Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta/ Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi...

Sáng tác “Ngã ba Đồng Lộc”, Huy Cận không chỉ miêu tả, kể lại câu chuyện anh hùng của những con người Việt Nam trên địa danh đó. Điều ấy, nhiều người làm được và không khó mấy. Tầm kích của bài thơ được nâng cao, mở rộng nhờ những suy ngẫm, khái quát của ông về dân tộc, nhân loại, lý tưởng và nhân phẩm của con người. Giá trị lớn nhất của con người chính là lòng yêu nước, yêu hòa bình và dám xả thân cho những điều cao quý đó. Yêu nước và yêu hòa bình không chỉ nói chung chung mà phải bằng những việc làm cụ thể, vì Tổ quốc, vì nhân loại: Không phải cho một lần/ Mà cho tất cả mọi lần/ Không phải cho một người/ Mà cho tất cả quê hương, đất nước. Cái quan trọng nhất là trước những ngã ba lịch sử, ngã ba thế cuộc, mỗi quốc gia và mỗi người phải chọn được hướng đi đúng: Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định/ Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba/ Những ngã ba vận mệnh/ Những cái nút trên dặm dài lịch sử/ Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy/ Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi/ Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc.

Ngã ba Đồng Lộc! Ngã ba nhưng chỉ một hướng đi. Đó là: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập, tự do cho đất nước, vì hòa bình, thống nhất non sông. Dân tộc đã không phân vân, không do dự, không nhụt chí. Câu chuyện trong bài thơ không chỉ giới hạn giữa cha và con nữa mà đã trở thành tâm cảm của dân tộc trong một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử: Ngã ba Đồng Lộc:/ Là ngã ba nhưng nào có phân vân/ Nào có đắn đo do dự!/ Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt/ Nhưng hướng đi đã quyết...

Từ Ngã ba Đồng Lộc, chúng ta nghĩ về niềm tin của dân tộc, của nhân dân vào Đảng, vào cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đảng không chỉ là lực lượng lãnh đạo mà còn là nguồn cảm hứng to lớn truyền vào nhân dân. Niềm tin của nhân dân vào Đảng có thể nói là vô cùng lớn. Năng lượng dân tộc được tạo ra phần lớn nhờ vào niềm tin vững chãi đó. Vì thế mới có muôn vàn chuyến xe, muôn vàn đoàn quân vượt Ngã ba Đồng Lộc để vào Trường Sơn trùng điệp, vào miền Nam tiền tuyến lớn, bất chấp đạn bom nguy hiểm: Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc/ Máu qua tim máu lọc/ Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam. Võ Thị Tần, La Thị Tám... những người con của nhân dân hay nói chính xác hơn là hình ảnh của nhân dân Việt Nam kiên cường, dũng cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ còn tỏa sáng mai sau. Và, như vậy, Ngã ba Đồng Lộc, một "địa chỉ đỏ", một trái tim hồng vẫn lấp lánh, vẫn âm vang trong lòng đất nước hôm nay.

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ