QĐND - Việc sử dụng tràn lan các loại hóa chất độc hại cấm sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm… (gọi chung là chất cấm) đang trở thành nỗi ám ảnh, mối đe dọa hằng ngày, hằng giờ đối với sức khỏe con người. Tại một số phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội, vấn đề này tiếp tục làm nóng nghị trường. Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị, đã đến lúc coi chất cấm như một loại “ma túy”. Người có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất cấm cần có chế tài xử phạt nghiêm minh. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã thẳng thắn coi hành vi sử dụng chất cấm như là một tội ác đối với cộng đồng.
Rõ ràng, tác hại của chất cấm đối với môi trường sống, sức khỏe con người đang đặt ra cấp bách. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, giải quyết rốt ráo, không chỉ thế hệ hôm nay phải gánh chịu hậu quả, mà nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến nòi giống và tương lai của đất nước. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng năm 2015, qua điều tra, khảo sát mẫu lương thực, thực phẩm ở cả nước cho thấy: 1,01% mẫu thủy sản có hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; 7,6% mẫu thịt có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng… Đây cũng là một trong những căn nguyên chủ yếu dẫn đến tỷ lệ người dân mắc các căn bệnh nan y ngày càng tăng, đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân ung thư cao nhất thế giới.
 |
Chuối ngâm hóa chất bị phát hiện. Ảnh: vietnamnet.vn
|
Đã đến lúc cần phải coi việc ngăn chặn sử dụng chất cấm là một cuộc chiến của toàn xã hội vì sức khỏe cộng đồng và tương lai giống nòi, trong đó vai trò nòng cốt là các cơ quan chức năng. Cho đến nay, biện pháp của chúng ta đối với vấn đề này mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh. Dù đã có nhiều cuộc, đợt ra quân trên phạm vi cả nước và từng địa phương; phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm, song có thể thấy do hành lang pháp lý về vấn đề này vẫn còn nhiều lỗ hổng, chế tài chưa đủ sức răn đe nên chúng ta chỉ mới giải quyết ở phần ngọn. Tình trạng tàng trữ, mua bán hóa chất độc hại vẫn diễn ra tràn lan. Ai mua gì cũng có, muốn mua bao nhiêu cũng được. Nguồn hàng này được lấy từ đâu, tổ chức, doanh nghiệp nào nhập khẩu, hóa chất lậu tuồn vào Việt Nam bằng cách nào...? Đó là những câu hỏi phải trả lời để đi đến cái gốc của vấn đề. Người sử dụng thì bị cấm nhưng người tàng trữ, buôn bán thì có nhiều kiểu, cách để “lách luật” nên rất khó giải quyết.
Muốn quản lý, ngăn chặn sử dụng chất cấm hiệu quả, buộc chúng ta phải giải quyết căn cơ từ gốc. Trước hết là quản lý nguồn hóa chất nhập khẩu. Siết chặt khâu này sẽ hạn chế chất cấm, hóa chất độc hại trên thị trường. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm phải chịu hình thức xử lý theo chế tài tương tự như xử lý tội phạm về ma túy. Khi đã coi hành vi sử dụng chất cấm đầu độc sức khỏe cộng đồng là một “tội ác”, thì người có hành vi này chính là một loại “tội phạm”. Điều này chỉ có thể làm được khi chúng ta có chế tài pháp luật đủ mạnh và đủ sức răn đe. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, phải có lương tâm của người sản xuất; bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần nêu cao hiểu biết, tự bảo vệ bản thân, gia đình mình, kiên quyết tẩy chay những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không tham giá rẻ.
Gốc vấn đề là ở chỗ đó.
PHAN TÙNG SƠN