Thực trạng thừa lãng phí, thiếu ứng dụng không phải mới và đã nhiều lần làm “nóng” nghị trường Quốc hội.

Công cuộc đổi mới phát triển đất nước rất cần vai trò tiên phong của KHCN. Vậy nhưng, khi Nhà nước đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng từ ngân sách cho mỗi đề tài khoa học để rồi “cất tủ” hoặc nghiệm thu xong vẫn còn thiếu sót như Khánh Hòa là không thể chấp nhận. Xét về bản chất, những sản phẩm nghiên cứu ấy vốn dĩ ban đầu chưa bám sát hoặc không bám sát yêu cầu thực tiễn, không đáp ứng được đòi hỏi thị trường khoa học hoặc không chạm tới nhu cầu mà đời sống xã hội đang cần... Vậy nên, khi sản phẩm khoa học hoàn thành thì “trống giong cờ mở”, nhưng các bước vận dụng, ứng dụng tiếp theo lại “vạn dặm mù mờ”.

Ảnh minh họa: tuoitre.vn 

Từ trường hợp Khánh Hòa, thiết nghĩ các bộ, ngành, địa phương cũng cần quyết liệt thanh tra các công trình khoa học nhằm minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, làm rõ nguyên nhân, có hình thức xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức phê duyệt cũng như chủ nhiệm đề tài nếu có dấu hiệu lãng phí.

Để không còn những đề tài khoa học phải xếp vào tủ kính thì trước hết các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các công trình nghiên cứu khoa học chủ lực... Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng tư vấn, thẩm định nội dung, tài chính nhiệm vụ KHCN; xác định các dự án, chương trình KHCN phù hợp định hướng phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.