Một nghịch lý diễn ra hiện nay là, trong khi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, không ít người giảm thu nhập nhưng giá đất lại tăng chóng mặt. Không chỉ ở đô thị mà nhiều vùng nông thôn cũng chứng kiến tình trạng “sốt” đất. Tâm lý mua đất để đầu cơ, chờ tăng giá đang khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, gây hiện tượng “sốt” đất ảo làm méo mó thị trường bất động sản (BĐS).

Trong câu chuyện thời sự mà tôi vẫn được nghe mỗi khi có dịp về quê những ngày này, “sốt” đất luôn là vấn đề được quan tâm nhất. Vừa tham gia đợt đấu giá quyền sử dụng đất do UBND xã tổ chức, ông chú tôi than thở, bình thường giá mỗi lô đất ở vị trí tương đương chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nay để trúng đấu giá phải trả số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: nhandan.com.vn

Với những người lao động bình thường, việc tăng giá hàng trăm triệu đồng mỗi lô đất vượt quá khả năng chi trả, cơ hội tìm chốn an cư ngày càng xa khỏi tầm tay.

Không chỉ quê tôi mà ở nhiều địa phương trên cả nước, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất cũng diễn ra sôi động. Giá chốt phiên thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, đẩy mặt bằng giá đất ở khu vực xung quanh lên mức mới.

Không loại trừ trường hợp, có những người đã âm thầm gom đất tại địa phương đó rồi thông qua việc đấu giá đất để tạo “sốt” ảo, bán ra kiếm lời khi giá tăng cao. Bên cạnh đó, như đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, có những lỗ hổng trong quy định đấu giá đất dẫn đến hiện tượng thổi giá, dìm giá hay xuất hiện “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ”...

Một thời gian dài sau khi trúng đấu giá, không ít lô đất vẫn chỉ là những bãi trống, trở thành sản phẩm đầu cơ, mua đi bán lại, không tạo ra giá trị sử dụng thiết thực cho xã hội. Trong khi đó, “sốt” đất ảo nảy sinh nhiều hệ lụy cho thị trường BĐS.

Giá đất tăng khiến hầu hết sản phẩm BĐS đều tăng theo, đẩy giá nhà lên mức quá cao, vượt nhiều lần so với thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân. Tại các đô thị lớn trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, sản phẩm nhà ở bình dân, vừa túi tiền gần như đã biến mất khỏi thị trường, không có nguồn cung mới bổ sung.

Doanh nghiệp đua nhau làm nhà ở cao cấp khiến cung-cầu bị lệch pha nghiêm trọng, người có nhu cầu ở thực không có nhà để mua, còn sản phẩm mở bán chỉ phục vụ một bộ phận người dân có thu nhập cao. Thực trạng này đã được cảnh báo nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý triệt để, về lâu dài có thể dẫn đến đóng băng dòng tiền, nguồn lực rất lớn của xã hội bị găm lại cùng với những căn biệt thự, lô đất bỏ hoang.

Để tăng tính công khai, minh bạch cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, trong đó, cần đặc biệt quan tâm khắc phục những “lỗ hổng”. Cần chú trọng thẩm định kỹ càng năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, định giá khởi điểm sát với giá thị trường. Cùng với đó, cần quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục đấu giá đất, thanh toán tiền sau khi đấu giá để tránh trường hợp đưa ra mức giá "trên trời" rồi “bỏ cọc”.

Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò của công cụ thuế, đánh thuế cao với những người đầu cơ đất, chậm đưa đất đai vào sử dụng, hạn chế việc phân lô bán nền tràn lan... Các chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp cần được mở rộng hơn nữa như ưu đãi về thuế, nguồn vốn và ưu tiên sử dụng quỹ đất sẵn có để tăng thêm nguồn cung những sản phẩm này. Qua đó, giúp thị trường phát triển cân bằng, lành mạnh, tạo lập giá trị bền vững.

ĐỖ MẠNH HƯNG