Năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức khảo sát, nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Trong đó, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhận được nhiều ý kiến.

Hiểu rõ hoàn cảnh công nhân và gia đình của họ phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt, thiếu nước sạch... Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đề án được kỳ vọng mở ra cơ hội “an cư lạc nghiệp” cho đông đảo công nhân lao động, người thu nhập thấp với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó 428.000 căn hoàn thành ở giai đoạn 2021-2025; 634.200 căn trong giai đoạn 2025-2030.

leftcenterrightdel

Khu công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN 

Phát triển nhà ở cho công nhân luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn còn rất nhiều “điểm nghẽn, nút thắt” đó là: Các luật “gài chân” nhau; quỹ đất hạn hẹp; thủ tục hành chính rườm rà; nguồn vốn vay ưu đãi khó tiếp cận... cho nên ước mơ về một căn nhà thu nhập thấp cho công nhân, người lao động bao năm qua cứ “ì ạch” là vậy.

Tại Lễ phát động Tháng công nhân-Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức công đoàn các cấp phải sống cuộc sống của người lao động, nói tiếng nói của người lao động. Thiết nghĩ, đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của tổ chức công đoàn mà cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương. Trước mắt là “phải sống cuộc sống của người lao động” để thấy họ khổ thế nào? Mơ ước của họ về một căn nhà ra sao? Mơ ước về một môi trường sống với đầy đủ các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp để con cái họ không bị thiệt thòi thế nào?... Từ đó, các cấp, ngành, địa phương ngồi lại “kiểm điểm” xem: Vướng ở đâu? Gỡ thế nào?

Có như vậy mới hiện thực hóa mục tiêu mà đề án đặt ra và ước mơ về một căn nhà cho công nhân “an cư lạc nghiệp” sẽ không còn xa vời vợi! Đó cũng minh chứng rõ nét để công nhân, người lao động được thụ hưởng thực sự thành quả phát triển của đất nước; để sau mỗi giờ tan ca là những giây phút đoàn tụ, sum vầy hạnh phúc của anh chị em công nhân với gia đình thân yêu của mình. Đất nước sẽ đi lên từ những ngôi nhà hạnh phúc ấy!

 DUY THÀNH