Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa... Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ. Tại Hà Nội, việc liên kết nhà trường-doanh nghiệp trong đào tạo đang trở thành giải pháp tối ưu để tháo gỡ nút thắt này. 

Doanh nghiệp đặt hàng trường dạy nghề

Theo ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang chịu sự cạnh tranh rất lớn về vấn đề thu hút người lao động chất lượng cao. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị tuột mất rất nhiều hợp đồng sản xuất cũng như những cơ hội đầu tư đến từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Chính vì vậy, để tăng cường nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện nay, HANSIBA đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp. Việc làm này giúp giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp; mặt khác, sinh viên các trường có điều kiện tiếp cận kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. “Hiệp hội coi đây là sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các doanh nghiệp, là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung-cầu về nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ trước mắt cũng như lâu dài”, ông Nguyễn Vân nhận định.

leftcenterrightdel
Hoạt động đào tạo của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội gắn kết chặt chẽ với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.  

Theo các chuyên gia, để nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, cần thiết phải có những quy chuẩn kỹ thuật về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ để sẵn sàng thực hiện trao đổi lao động khu vực và quốc tế. Cần có các kế hoạch đào tạo nguồn lực bài bản, có lộ trình và những chế độ đãi ngộ phù hợp. Với những định hướng đó, HANSIBA đã kết nối với các trường để có giải pháp đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Các ngành đào tạo nổi bật được hướng tới như: Cơ điện tử; cơ khí chế tạo; công nghệ hàn; chế tạo thiết bị cơ khí; chế tạo khuôn mẫu; vẽ và thiết kế cơ khí; sửa chữa, bảo dưỡng máy công nghệ cao; công nghệ ô tô; điện công nghiệp...

Bồi dưỡng công nghệ, kỹ năng mới cho người lao động

Nắm bắt được thực tế nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang gặp khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao, Nhà giáo Ưu tú, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhà trường đã tập trung đào tạo các chuyên ngành phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường đào tạo ngoại ngữ để tăng khả năng thích nghi của người lao động trong môi trường làm việc có áp lực cạnh tranh cao. “Mỗi năm, nhà trường tuyển sinh khoảng 2.000 học viên để đào tạo những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Để bảo đảm các tiêu chí có tay nghề, ra trường là có việc làm, nhà trường không chỉ dạy lý thuyết cho sinh viên mà tăng cường đào tạo thực hành ở các xưởng sản xuất thực tế”, ông Phạm Xuân Khánh chia sẻ. Ngoài đào tạo các loại hình ngắn hạn, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là những khóa giúp nâng cao trình độ người lao động, chuyển giao khoa học-công nghệ. Việc này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao. 

Đánh giá cao mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Dụng cụ An Mi cho hay, để ngành công nghiệp hỗ trợ kịp thời phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, đón đầu cơ hội mới sau thời kỳ dịch Covid-19, việc cấp thiết hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chất lượng, gia tăng đào tạo theo đặt hàng từ các doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục-đào tạo. “Trong bối cảnh công nghệ thay đổi thường xuyên, liên tục thì việc cập nhật, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động là nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà trường", ông Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh.

Bài và ảnh: VŨ DUNG