UBTVQH yêu cầu bảo đảm tốt nhất cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nên tính đúng, tính đủ chi phí
Sáng 14-12, UBTVQH cho ý kiến vào việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, các đại biểu cho rằng quy định về giấy phép hành nghề có bố cục chưa hợp lý, cần thiết kế phù hợp hơn.
Cần rà soát lại quy định về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ giấy phép hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề; quy định tường minh về giấy phép hành nghề có thời hạn trên tinh thần việc chữa bệnh cứu người liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân nên phải hết sức kỹ lưỡng, hết sức thận trọng nhưng phải đúng quy luật khách quan và phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, làm rõ mô hình, quy định về việc thành lập; rà soát lại quy định về từ chối khám bệnh và chữa bệnh để tránh vi phạm quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo quy định của Hiến pháp; khái niệm về cấp chuyên môn kỹ thuật và mối quan hệ giữa các cấp, cách thức bảo đảm điều kiện hoạt động của các cấp này cần được tiếp tục rà soát, làm rõ.
Dự thảo luật nên quy định theo hướng cơ sở y tế công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy nhân sự theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thực hiện kế toán và kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nên quy định theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí.
Nghị quyết số 30/2021/QH15 góp phần củng cố niềm tin của nhân dân
Cũng trong sáng 14-12, UBTVQH cho ý kiến vào việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Theo các báo cáo tại phiên họp, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, bám sát thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đây là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.
Việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Từ khi được ban hành, Nghị quyết số 30/2021/QH15 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia...
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an cùng các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nghị quyết có lúc, có nơi còn chậm. Y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu, thanh-quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động chưa bao quát hết các đối tượng bị ảnh hưởng. Còn có hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch; một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
UBTVQH cơ bản nhất trí với đề xuất việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội; bảo đảm các nội dung báo cáo, kiến nghị có căn cứ thuyết phục để Quốc hội xem xét, quyết định.
* Chiều cùng ngày, UBTVQH xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH; xem xét Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG