Dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) dài 56,9km. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến là 1.929,882 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng là 1000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương là 930 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. 

Tổng diện tích đất cho dự án dự kiến sơ bộ là khoảng 128,96 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 37,18 ha; đất ở khoảng 7,26 ha; đất rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 75,58 ha; đất khác khoảng 8,95 ha.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu về cơ bản đều nhất trí với sự cần thiết triển khai dự án này. Việc thực hiện dự án phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đồng thời, việc thực hiện dự án sẽ giúp phát triển mạng lưới giao thông, phá thế độc đạo vào khu vực miền núi phía Tây Khánh Hòa; mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh (vốn là 2 huyện vùng trũng, rất khó khăn của tỉnh Khánh Hòa) và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh, giúp khơi thông liên kết với các huyện miền núi của các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng.

leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu.

Từng có thời gian giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tuyến đường này nằm ở vùng khó khăn, nên không thể huy động nguồn vốn xã hội hóa, trước sau vẫn phải có đầu tư công với sự hỗ trợ của Trung ương, vì chỉ riêng địa phương thì không thể làm nổi.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, kinh tế Khánh Hòa suy giảm rất mạnh. Đó là thời điểm tỉnh nhận ra phải phát triển toàn diện, không thể chỉ dựa vào một động lực tăng trưởng là du lịch. Khi quyết định xây dựng dự án, cũng có ý kiến đề xuất làm đường ven biển để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. 

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ, các cơ quan hữu quan nhận thấy đường ven biển có khả năng huy động nhiều nguồn vốn. Đường kết nối vùng miền núi phía Tây cần thiết hơn. Các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng cũng đều gửi văn bản thể hiện sự nhất trí cao với đề xuất xây dựng dự án này của Khánh Hòa, vì sẽ kết nối với các tuyến đường của 2 tỉnh này. 

leftcenterrightdel

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. 

Cho rằng hồ sơ dự án đã được chuẩn bị rất kỹ và do tính cần thiết của dự án, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội  ủng hộ để dự án có thể sớm được triển khai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đây là dự án quan trọng quốc gia nên cần thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Đầu tư công, phải có ý kiến bằng văn bản của Kiểm toán Nhà nước làm cơ sở để các cơ quan hữu quan tiến hành thẩm tra và cũng là cơ sở để trình Quốc hội quyết định.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại tên gọi của dự án. Thực chất đây là đường nằm trên địa bàn 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, nhưng có tạo điều kiện kết nối vùng sau khi được đầu tư, cụ thể là kết nối với Ninh Thuận và Lâm Đồng. Cần rà soát lại các nghị quyết liên quan để đặt tên dự án cho đúng.

leftcenterrightdel
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. 

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án này. Tuy nhiên cho rằng cần rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư kỹ lưỡng hơn để bảo đảm vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả.

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên họp. 

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Quốc hội dự án này với tên gọi phù hợp hơn; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là của Kiểm toán Nhà nước, để hoàn thiện hồ sơ dự án.

CHIẾN THẮNG