Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Khánh Hòa.

Về phía Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang 

Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung, song nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tinh ủy, sự điều hành quyết liệt, chủ động của UBND tỉnh, sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tốt.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu làm rõ tiềm năng, thế mạnh; phân tích các thành tựu, góp ý các lĩnh vực tỉnh Khánh Hòa cần tập trung thực hiện để thúc đẩy phát triển và giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp người dân tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trong thời gian qua; cho rằng kết quả này là nhờ tỉnh đã bám sát nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, mức độ phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh và chưa tương xứng với sự quan tâm của Trung ương. Khánh Hòa cần cố gắng hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa với bảo vệ môi trường; cần tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng; nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc nổi cộm…

Sau khi phân tích tình hình và nêu các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tỉnh cần thực hiện để thúc đẩy phát triển Khánh Hòa nhanh và bền vững.

Trước mắt, Khánh Hòa cần tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 55 của Quốc hội và Nghị quyết 42 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 và Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tỉnh Khánh Hòa phải làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, triển khai thực hiện, quản lý, kiểm tra các quy hoạch bảo đảm thống nhất, hiệu quả, theo đúng quy hoạch được phê duyệt; điều chỉnh và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội, xây dựng mô hình đô thị thông minh… của tỉnh phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu thực tế và quan tâm các chính sách nhà ở xã hội.

Khánh Hòa phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện môi trường; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các địa phương trong, ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, lợi thế và bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. 

Thủ tướng lưu ý, tỉnh phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trọng tâm là du lịch biển, đảo, dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, vận tải biển - hàng không; đô thị ven biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển. Đặc biệt tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thủ tướng yêu cầu, Khánh Hòa huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, tập trung thu hút vào 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh là Khu kinh tế Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình cấp thiết, trọng điểm theo hướng kết nối, liên thông và đa mục tiêu, nhất là các dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa.

leftcenterrightdel
Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc. 

Tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân; phối hợp với ngành ngân hàng để khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp… hỗ trợ thiết thực cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương; yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Khánh Hòa để thúc đẩy giải quyết theo thẩm quyền.

Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức rà soát, trong tháng 4-2023 đề xuất cơ chế, chính sách xử lý, trên nguyên tắc “không hợp lý hóa cái sai, xong có cơ chế để xử lý, giải phóng nguồn lực cho phát triển”.

HUY LÊ