Những kết quả bước đầu rất quan trọng

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng (Nghị quyết Trung ương 4) ra đời vào thời điểm hết sức quan trọng, hợp ý Đảng, lòng dân. Nghị quyết đã chỉ ra những vấn đề  quan trọng, cấp bách đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng, giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khoá XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (Chỉ thị 03) đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. 

Nhìn lại nhiệm kỳ 2010-2015 cho thấy, thông qua việc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Với sự chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, cụ thể và quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đặc biệt quan tâm.


 Các đại biểu dự Đại hội XII của Đảng trao đổi trong giờ nghỉ giải lao.  

Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã tạo được một số chuyển biến tích cực, siết lại kỷ luật, kỷ cương, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn chặn hành vi tiêu cực, đấu tranh đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Qua quá trình kiểm điểm, những vấn đề tồn tại trong Đảng, trong đời sống xã hội đã được giải quyết hiệu quả. Nhiều tập thể, cá nhân đã nhận thức sâu sắc hơn biểu hiện cụ thể sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và có biện pháp khắc phục kịp thời..

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định, Nghị quyết Trung ương 4 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã khắc phục được nhiều hạn chế, khuyết điểm; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra. Nổi bật là kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế được mở rộng. Năm 2015, tỉnh có hai huyện, với 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp vị trí thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố...

Trao đổi về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến rõ nét trên các mặt công tác. Thể hiện rõ nhất là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và từng tổ chức đảng có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, các hoạt động chỉ đạo được minh bạch hóa; vấn đề kê khai tài sản, theo dõi giám sát ở địa phương được làm chặt chẽ. Nhờ đó, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận trong đời sống xã hội.

Các đại biểu dự Đại hội XII của Đảng đều thống nhất khẳng định: Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ. Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương xây dựng và tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Bộ Chính trị đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp; điều động, luân chuyển, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương; làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự  đại hội đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã góp phần thực hiện tốt hơn nguyên tắc “tập trung dân chủ”, quy trách nhiệm cá nhân. Có thể khẳng đinh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là nhân tố quan trọng, để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội và củng cố niềm tin trong Đảng và Nhân dân.

Nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của cấp ủy, tổ chức Đảng

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng theo hướng đa dạng, phong phú, thiết thực, gắn với thực tiễn cơ sở. Nghiên cứu, đổi mới việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình các tập thể, cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; gắn kiểm điểm cuối năm với kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4. Tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong cấp ủy, tổ chức đảng; khắc phục tình trạng làm hình thức và nể nang, né tránh, ngại va chạm trong sinh hoạt Đảng.

Từ kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện nghị quyết Trung ương 4 tại Phú Yên, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên chia sẻ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là biện pháp quan trọng giúp cho Đảng ta mạnh lên, thông qua sự tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Theo đồng chí Huỳnh Tấn Việt, trong nhiệm kỳ 2016-2021 và những năm tiếp theo, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4. Tức là bên cạnh sự tự giác, gương mẫu của mỗi đảng viên thì cần phải có những chế tài, quy định và sự giám sát chặt chẽ của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể...Thực tế tại Phú Yên, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời ban hành một số giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Theo đó, mỗi đảng viên đều đăng ký thực hiện tốt cam kết “Thân thiện nghĩa tình, tận tụy trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật” khi thực hiện chức trách nhiệm vụ.

Còn Đảng bộ tỉnh Bến Tre thì xác định, trong thời gian tới, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ tập trung cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm với nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Thực hiện việc phân công, giao quyền và quy trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước quần chúng nhân dân, trước cấp dưới.

Có thể nhận thấy, kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thời gian qua đã giúp cho Đảng ta ngày càng mạnh lên, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, lâu dài để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước…

Bài và ảnh: NGUYÊN THẮNG - VIỆT CƯỜNG