Hôm nay (23-1), ngày làm việc thứ ba Đại hội lần thứ XII của Đảng, tại phiên thảo luận tại hội trường, phát huy tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới”, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đề xuất, kiến nghị với Đảng nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại… trong nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo.

Tìm giải pháp cho vấn đề “tam nông”

Vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), với trọng tâm là cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được các đại biểu quan tâm thảo luận tại Đại hội. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đặt vấn đề về địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) và đô thị hóa. Khoa học kỹ thuật nông nghiệp nhìn chung vẫn khó “thâm nhập vào nông dân”, phần lớn lao động nông nghiệp trẻ tìm cách ly quê, ly nông. Về văn hóa xã hội, nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất. Lối sống thực dụng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, "sống chết mặc bay", đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Văn hóa truyền thống “tình làng, nghĩa xóm” bị suy giảm. Nông dân đang bị phân hóa giàu nghèo với xu thế ngày càng tăng. Trước đổi mới khoảng cách là 3,5 lần và hiện tại khoảng 10,2 lần.


 Quang cảnh phiên thảo luận tại Đại hội. 

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường cho rằng, cần hướng tới mục tiêu “người nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, thực hiện thành công CNH - HĐH, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Đề nghị chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của vùng miền, địa phương và đặc điểm đất, sinh thái cây trồng vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp. Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành theo quy hoạch, kế hoạch. Tập trung giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng 3 biện pháp mạnh, có tính đột phá là: Khoa học kỹ thuật; an toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp thông tin thị trường, giá cả; gắn liền với mở rộng, phát triển thị trường tiềm năng có giá trị sinh lời cao hạn chế thị trường dễ tính, giá rẻ và bấp bênh.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trong những năm tới mục tiêu chính của ngành NN&PTNT là phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể là thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Các giải pháp mà ngành NN&PTNN đưa ra là  tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.  Cùng với đó là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ.

Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân

Tham luận về việc tăng cường xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng khẳng định, hơn 85 năm qua, đặc biệt qua 30 năm đổi mới, trong xây dựng quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Đảng ta đã đạt được sáu thành tựu quan trọng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đảng lắng nghe nhân dân, vì nhân dân, dựa vào nhân dân và nhân dân tin Đảng. Điều này trở thành nhân tố bảo đảm sự đúng đắn và thành công của đường lối đổi mới của Đảng. Theo ông Thào Xuân Sùng, Đảng ta cần phát huy thành tựu, tăng cường xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Một số đại biểu kiến nghị, những năm tới, Đảng, Nhà nước ta cần đẩy mạnh lãnh đạo có hiệu quả công cuộc đổi mới và tăng cường việc thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị và của các cơ quan Nhà nước; đặc biệt chú trọng lựa chọn, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có trình độ trí tuệ, năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, thực sự là “công bộc” của nhân dân.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để tổ chức công đoàn thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, người cộng tác đắc lực của Nhà nước thì phải luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Mặt khác, kiên quyết phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, cơ hội, biến chất, xu nịnh, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Khẳng định vai trò quan trọng của công tác đối ngoại

Tham luận về công tác đối ngoại, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định: Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã hoàn tất ký kết các hiệp định quản lý biên giới trên bộ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, tạo cơ sở xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và ổn định. Khi có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, thì các biện pháp chính trị - ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, đã giúp chúng ta  đấu tranh hiệu quả việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta đã thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông; đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng, chúng ta mới ở giai đoạn “gia nhập, tham gia, đàm phán” ký kết các thoả thuận quốc tế, khu vực. Để đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, chúng ta cần tập trung thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương. Trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ...

Một số đại biểu tại Đại hội đề nghị phải đặc biệt chú ý việc nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Theo đó, cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế nước ta đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân hiểu rõ thách thức, cơ hội mà họ có được từ hội nhập quốc tế để tham gia một cách chủ động và tích cực. Biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan Nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động và tích cực của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân…

Phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Theo đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng , Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn tới, để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững, Việt Nam phải triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua 30 năm đổi mới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần nhưng so với thế giới và kể cả khu vực ASEAN vẫn còn ở mức thấp.

Đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương. 

Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ sớm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt Đề án tổng thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế và hiện thực hóa các cơ hội của hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp theo hướng năng động, đổi mới và sáng tạo, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh.

Bàn về vấn đề giảm nghèo bền vững, từ thực tiễn địa phương, đồng chí Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng phải gắn với thực hiện tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt vấn đề này, theo đồng chí Phạm S phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng theo đa ngành gồm: Tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng trung tâm cung cấp dịch vụ, thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó các địa phương tập trung xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm sau thu hoạch… với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài để hình thành những cụm sản xuất đạt chất lượng, tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Gắn kết thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc đào tạo các chuyên gia đầu ngành, đào tạo các nhà quản trị giỏi của ngành nông nghiệp, cần thực hiện mô hình đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, tay nghề cho nông dân theo hình thức vừa học vừa làm tại các nước có nền nông nghiệp tiên tiến; phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp; hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI…

NGUYÊN THẮNG – VIỆT CƯỜNG (lược ghi)