Phóng viên (PV): Kính thưa đồng chí, trong phiên thảo luận tại Đại hội, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói: Hiện nay rất ít người muốn làm nông dân do đời sống của nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Vậy cá nhân đồng chí và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) có chính sách gì để người nông dân đỡ khổ?
Đồng chí Cao Đức Phát: Vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là vấn đề rất lớn ở nước ta hiện nay. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề này. Các kỳ Đại hội Đảng đều dành sự quan tâm đặc biệt về các vấn đề trên. Các nhiệm kỳ qua, ngoài các điều được ghi trong nghị quyết, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đều có nghị quyết chuyên đề về vấn đề “tam nông”. Nhiệm kỳ qua, Bộ Chính trị chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X). Nhờ thực hiện các chủ trương đúng đắn đó, nông nghiệp nước ta tuy phải đối phó với khó khăn, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 3,1%; thu nhập nông dân tăng 1,9 lần; xây dựng nông thôn mới tạo sự cải thiện về bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nỗ lực đó chưa đáp ứng được mong mỏi của Đảng, của nhân dân. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với Hội Nông dân nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân thông qua việc triển khai cơ chế chính sách; hỗ trợ đầu ra sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tư vấn cho bà con về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; thực hiện chủ trương bao tiêu thu mua sản phẩm khi nông sản được mùa nhưng rớt giá…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
PV: Có ý kiến cho rằng, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn do chính sách về “tam nông” còn bất cập. Thậm chí, nông dân còn bị coi như “sân sau” của doanh nghiệp. Quan điểm của đồng chí như thế nào về vấn đề này?
Đồng chí Cao Đức Phát: Với sự quan tâm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, thu nhập, cuộc sống của nông dân liên tục được cải thiện. Nhưng sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng, miền. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, có nơi tới 30%. Đặc biệt, thu nhập, đời sống của nông dân so với vùng phát triển, vùng đô thị, khoảng cách có xu hướng ngày càng giãn ra.
Tôi cho rằng, cải thiện đời sống nhân dân đang là câu hỏi lớn. Thực tế, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã triển khai các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp để tăng nhanh thu nhập nhân dân. Xây dựng nông thôn mới là để cải thiện nhanh và đồng bộ đời sống nông dân. Chúng ta cũng tiếp tục đổi mới về cơ chế chính sách. 30 năm trước, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Công cuộc ấy bắt đầu từ nông nghiệp, liên quan đến nông thôn, nông dân. Đó là thực hiện việc giao ruộng đất cho nông dân sử dụng lâu dài. Nông dân trở thành người tự chủ quyết định việc trồng trọt trên mảnh đất của mình và hưởng lợi trên mảnh đất đó. Thứ hai là họ tự quyết định mua vật tư đầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và bán sản phẩm nông nghiệp làm ra. Tôi cho rằng, để giúp người nông dân làm giàu, chúng ta phải tiến hành đổi mới cơ chế. Trọng tâm là tiếp tục xác lập các thị trường đồng bộ về vật tư, sản phẩm, bảo đảm sự lưu thông hiệu quả; thực hiện thị trường về quyền sử dụng đất. Nhiệm kỳ tới tập trung xây dựng các cơ chế cho thị trường này phát triển hiệu quả theo quy định của pháp luật, qua đó đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Đồng thời, chúng ta phải có biện pháp kích thích doanh nghiệp tăng thu mua các sản phẩm nông nghiệp thông qua cơ chế cho vay tín dụng.
PV: Thưa đồng chí, thực tế hiện nay, tình trạng nông dân bỏ quê ra tỉnh làm ăn ngày càng tăng. Vậy đồng chí đề xuất với Đảng chủ trương, giải pháp gì để người nông dân làm giàu ngay tại địa phương họ sinh sống?
Đồng chí Cao Đức Phát: Thực tế lịch sử phát triển của tất cả các nước trên thế giới cho thấy, nông dân tìm công việc phi nông nghiệp là nhu cầu tất yếu. Nước Nhật Bản hiện chỉ còn khoảng 2,2 triệu nông dân; nước Mỹ khoảng 2 triệu nông dân. Nước ta hiện nay có khoảng 23 triệu người làm nông nghiệp. Trong khi đó, trong 11 nước đối tác của ta tham gia TPP cũng chỉ có khoảng hơn 20 triệu người tham gia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời điểm hiện tại, nông dân ở nước ta bỏ làng quê lên thành phố làm việc cũng dẫn tới nhiều rủi ro. Vấn đề chúng tôi trăn trở hiện nay là làm thế nào để người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương của mình. Chúng tôi đã đề xuất với Đảng, Nhà nước là phải thúc đẩy quá trình phát triển ở nông thôn nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, tạo sự đột phá cho nền nông nghiệp phát triển nhanh, mạnh. Tập trung phát triển công nghiệp dịch vụ ngay tại các vùng nông thôn; tiếp tục thực hiện chương xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân.Nhìn tổng thể, năng suất và thu nhập từ khu vực nông nghiệp tăng nhưng không cao bằng khu vực dịch vụ và công nghiệp.
PV: Thưa đồng chí, thực tế người dân đô thị được hưởng lợi nhiều từ quá trình xây dựng, phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng khi xây dựng nông thôn mới, người nông dân phải đóng góp công sức, tiền của? Đồng chí suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đồng chí Cao Đức Phát: Thực hiện nghị quyết của Đảng, trong 5 năm qua, ngân sách Nhà nước đã đầu tư tăng gấp đôi cho xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và có nhiều quyết sách quan trọng về vấn đề này. Tuy nhiên nguồn lực huy động vẫn thấp so với yêu cầu đặt ra.
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã huy động các nguồn lực, nhân dân tự nguyện góp sức người, sức của để phục vụ cho chính đời sống của bà con. Việc đóng góp ấy hết sức dân chủ, tự nguyện, do nhân dân bàn bạc và quyết định, không gượng ép, gây khó khăn cho nông dân. Chính vì vậy phong trào xây dựng nông thôn mới đã thu được kết quả rất tốt, cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.
PV: Hiện nay đất nước chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Bộ NN&PTNN có giải pháp gì nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam và tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp miền núi thưa đồng chí?
Đồng chí Cao Đức Phát: Thời gian qua, Nhà nước đã chi ngân sách nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chúng ta sẽ cố gắng huy động các nguồn lực từ ngân sách; đổi mới cơ chế chính sách; tạo môi trường thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa với quy mô lớn; tăng tỉ trọng đầu tư của toàn xa hội vào lĩnh vực này. Về giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, lợi ích nhiều hơn cho nông dân. Thời gian tới, Bộ NN&PTNN sẽ tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo phát triển các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có lợi thế như: Lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, cá tra, tôm…; giúp đỡ nông dân về khoa học kỹ thuật; tổ chức lại sản xuất…
Hiện nay, đời sống nhân dân miền núi rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Cá nhân tôi hết sức trăn trở về vấn đề này. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện giải pháp là dựa vào lợi thế của vùng để phát triển nông nghiệp. Mỗi địa phương phải rà soát để tìm ra các lợi thế đó. Ngay sau Đại hội XII của Đảng, chúng tôi sẽ tham mưu và xây dựng đề án triển khai chương trình phát triển chăn nuôi cho các tỉnh miền núi phái Bắc. Phát triển phải đa dạng các đàn gia súc, gia cầm phù hợp với từng địa phương; ứng dụng phương thức sản xuất chăn nuôi hiện đại, giúp nông dân có thu nhập cao hơn…
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYÊN THẮNG-VIỆT CƯỜNG (thực hiện)