Tăng hạn tuổi phục vụ của lực lượng công an nhân dân

Tại phiên họp, lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp. 

Bên cạnh đó, về thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập.

Mặt khác, quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân cũng còn một số vướng mắc....

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. 

 

 

Về một số nội dung cơ bản của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự luật sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 22 theo hướng quy định sĩ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.

Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung Khoản 1 Điều 23 theo hướng Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác. Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, dự thảo luật cũng bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Công an nhân dân, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.

Đồng thời bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của Công an nhân dân (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan...

 

Quy định cụ thể hơn việc xét thăng cấp hàm Đại tá đến Thiếu tướng

Đại diện cơ quan thẩm tra và dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân với những lý do như đã nêu trong các tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…; đến nay đã đủ điều kiện chín muồi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội. 

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Liên quan đến các chính sách và nội dung cụ thể của dự thảo luật, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh trong Công an nhân dân như trong dự thảo luật; nhất trí với đề xuất của Chính phủ về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an và thấy rằng, việc tăng tuổi phục vụ của lực lượng Công an nhân dân phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và thống nhất với quy định của Bộ Luật lao động năm 2019 về độ tuổi nghỉ hưu. 

Góp ý về các nội dung sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá việc sửa đổi luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, quá trình soạn thảo cơ bản thống nhất với các luật khác có liên quan. 

Cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cụ thể để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện.

Cụ thể, về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 về sĩ quan được xét thăng cấp hàm Đại tá đến Thiếu tướng còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu thêm trường hợp này có quy định thời gian tối thiểu không; đề nghị cụ thể hơn về thời gian. 

Ngoài ra, về quy định trần cao nhất là Thượng tướng cho sĩ quan Công an biệt phái đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong dự luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung thêm nội dung làm rõ vị trí này trong xếp hạng phân loại về chức danh, chức vụ trong hệ thống chính trị tương đương với Bộ trưởng và do Ủy viên Trung ương Đảng đảm nhiệm chức vụ để bảo đảm đầy đủ hơn, tương xứng với vị trí chức vụ này.

Đặc biệt, về mốc thời gian để áp dụng tăng tuổi theo lộ trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị quy định theo thời hiệu của Bộ Luật Lao động, tức là từ ngày 1-1-2021.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp. 

Giải trình thêm về một số gợi ý của Chủ tịch Quốc hội và đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quy định về trường hợp đề nghị thăng quân hàm Thiếu tướng nhưng không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định mục đích dự phòng cho các đồng chí đang công tác ở nước ngoài không kịp làm hồ sơ hay trường hợp vô cùng đặc biệt, trên thực tế chưa có trường hợp nào phải đề nghị. 

“Từ trước đến giờ chưa có nhưng phải quy định vì nếu không quy định thì những trường hợp hết sức đặc biệt lại khó áp dụng”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải. 

Về quy định phong hàm Thượng tướng đối với Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lần đầu tiên lực lượng Công an nhân dân có cán bộ biệt phái giữ chức vụ này nên phải đề xuất nội dung này trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân.  

Bộ Quốc phòng đang tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao việc sửa đổi Luật Công an nhân dân và cho biết, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội chính quy, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh và đến năm 2030 tiến thẳng lên hiện đại.

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, hiện Bộ Quốc phòng đang tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc điều chỉnh Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam liên quan đến điều chỉnh thêm 2 luật nữa là Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân và Viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự. Trong khi thực tế, Luật Nghĩa vụ quân sự cũng đang tồn tại một số bất cập và mâu thuẫn.

"Chúng tôi sẽ báo cáo lại và sớm tổ chức biên chế lại trước năm 2024; khi đó, chúng tôi sẽ xây dựng chức danh cụ thể", Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa cho biết thêm. 

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân đi trước sẽ là điều kiện để Bộ Quốc phòng rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

 

THẢO NGUYÊN