Công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh: Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; như đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kết quả nổi bật là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
 |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. |
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành gần 4.000 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ và phát hiện hơn 280 vụ việc, đã chấn chỉnh và xử lý 386 người có vi phạm.
Sau khi tiến hành kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Đặc biệt, về kiểm soát tài sản, thu nhập, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 7.662 người; đã được kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng, đã chấn chỉnh, xử lý theo quy định...
Kết quả phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, ngành tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nguy cơ và nhiều dư luận về tham nhũng; đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
 |
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ. |
Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022; theo đó: “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp”.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga: Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn. |
Đáng chú ý, một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: Thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi… Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
Đặc biệt, tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng. Trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả. Các cấp chính quyền cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG