Bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc trình sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngay đầu nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội vì hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần rất lớn, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật chưa bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. “Cần nhận diện đầy đủ hơn hành vi này. Bởi nhiều khi bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác. Thậm chí, có chuyên gia nói, việc ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là hành vi bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo có những nghiên cứu sâu thêm về quy định về hành vi bạo lực “áp dụng với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định như dự thảo là chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Dẫn lại trường hợp em bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu mới đây, Chủ tịch Quốc hội nhận định tình trạng xâm hại, bạo hành con riêng của vợ, mẹ kế bạo hành con riêng của chồng... cũng diễn ra rất nhức nhối.

“Lần sửa đổi này nhận diện và và khắc phục việc này thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan thuộc khối tư pháp xem rà soát để nhận diện và có biện pháp để khắc phục.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.  

Ở góc độ giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lại nhắc đến khía cạnh bạo lực gia đình liên quan đến việc dạy và học thời gian gần đây, nhiều vụ việc đã dẫn đến những câu chuyện đau lòng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đến hiện tượng kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc các cháu phải học đến 3-4 giờ sáng hay mong muốn con cái phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp của cha mẹ, hay là niềm hãnh diện của cha mẹ... đã tạo ra những áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em.

“Áp lực trong lao động, học tập, cưỡng ép trong lựa chọn, định hướng nghề nghiệp trái với nguyện vọng của trẻ em...cũng là một dạng bạo lực cần nhận diện”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói và đề nghị dự thảo luật cần diễn đạt rõ hơn về việc không gây áp lực quá lớn trong lao động và học tập cho trẻ em. 

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị bạo lực

Trước đó, trình bày tóm tắt về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Bạo lực gia đình hiện vẫn là một vấn đề nhức  nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm  sự giúp đỡ; chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Kết quả điều tra này còn cho  thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm  2012). Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua.

leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. 

“Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân  tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Luật lần này gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành; tiếp tục kế thừa nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính nhưng được bổ sung theo hướng chủ động hơn, liên tục trong cả quá trình trước, trong và khi kết thúc bạo lực để hướng đến mục tiêu là phòng ngừa bền vững.

Trong đó, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên yếu thế khác trong gia đình là đối tượng được ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ.

 

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022 tới).

 

HẰNG PHƯƠNG