Đồng thời, khảo sát một số mô hình kinh doanh, sản xuất nông nghiệp và mô hình nông thôn mới trên địa bàn các tỉnh này.

Tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) với gần 11.000ha diện tích chuyên canh cây ăn quả, huyện đã tập trung phát triển hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Mai Sơn có 140 HTX trong đó có 120 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp với hơn 6.300 thành viên. Doanh thu bình quân của các HTX đạt từ 2-2,5 tỷ đồng/năm.

Thu nhập bình quân của thành viên, lao động HTX đạt từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng na và cây ăn quả có múi cho năng suất cao đã đạt được những thành công lớn.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương khảo sát mô hình chuyên canh cây ăn quả ở huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: THÀNH TRUNG.

Tại tỉnh Hòa Bình, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã điều chỉnh và lập mới hơn 19 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, từng bước gắn với thị trường đầu ra. Hòa Bình là một trong ba tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hòa Bình đã đạt được những bước tiến rõ rệt, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, hạ tầng kinh tế-xã hội nhiều chuyển biến, đời sống của nông dân được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa được cải thiện. Vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La. Ảnh: THÀNH TRUNG.

Đoàn công tác cũng đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La với một số ý kiến quan trọng như: Trong chương trình về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới đây cần có cơ chế đặc thù cho nông thôn miền núi, phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng khó khăn; có chính sách mạnh mẽ hơn khuyến khích hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế nông thôn miền núi...

Phát biểu tại các buổi làm việc với các địa phương, đồng chí Nguyễn Duy Hưng nêu rõ: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước nói chung và các địa phương Tây Bắc nói riêng.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình. Ảnh: THÀNH TRUNG.

Đối với tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Duy Hưng đánh giá cao những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Đây là tiền đề quan trọng để Sơn La tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và là nhân tố để thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Đồng chí đề nghị, Sơn La cần tiếp tục coi việc xây dựng nông thôn mới, tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp cần chú trọng ưu tiên các chính sách về hỗ trợ sản xuất, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tạo việc làm, tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề cấp thiết đối với nông dân…

Tại Hòa Bình, làm việc với Thường trực tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Duy Hưng ghi nhận đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của tỉnh. Với gần 50% số xã và 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Hòa Bình là một trong những tỉnh có thành tích tốt về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm một số vấn đề, nhất là triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó là kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về phục vụ sản xuất công nghệ cao, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu...

GIA MINH - MẠNH HƯNG