Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: Các đồng chí Ủy viên Trung ương phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới mình

Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các văn kiện, chuẩn bị đóng góp ý kiến thảo luận tại Đại hội. Tôi cho rằng, với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, tinh thần trách nhiệm của tất cả đại biểu dự Đại hội, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và hơn 4,5 triệu đảng viên, Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. 

Thời gian qua, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  và ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của hàng triệu lượt ý kiến, tôi tin tưởng rằng giai đoạn tới sẽ là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của toàn dân tộc. Để hiện thực hóa điều này thì phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nhất là vai trò của các đồng chí Ủy viên Trung ương. Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao. Trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng, không có cách gì khác, tự các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng phải xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới mình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Nhân dân cả nước đang kỳ vọng, đặt trọn niềm tin vào Đảng, vào Đại hội, vì thế các đồng chí Ủy viên Trung ương không được phụ lòng mong đợi của nhân dân.

Chúng tôi, những đại biểu dự Đại hội và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đều mong muốn Đại hội thành công tốt đẹp. Nhất là bầu được các đồng chí vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII có đầy đủ đức và tài; tập thể Ban chấp hành Trung ương luôn đoàn kết, thống nhất, trí tuệ, trách nhiệm với Đảng, dân tộc, thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới kinh tế, đồng bộ với chính trị; tăng cường xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân…

Đồng chí Nguyễn Hữu Lậm, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An: Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở

Cơ sở là nơi trực tiếp để triển khai các chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống. Vì vậy, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở rất quan trọng. Tôi cho rằng, nhiệm kỳ tới, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, trước hết Đảng ta phải chăm lo cho đội ngũ này về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực điều hành quản lý nhà nước, phương pháp tiếp cận, vận động quần chúng nhân dân. Về công tác về đào tạo, bồi dưỡng cần quan tâm đến công tác đào tạo theo chức danh. Ví dụ như các chức danh chủ tịch, bí thư, các chức danh trong bộ máy Đảng, tổ chức chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội… đều rất cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Lậm, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An 

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm tổ chức được bộ máy tinh gọn hiệu quả. Việc nhất thể hóa một số chức danh ở cơ sở, thậm chí cấp huyện là chủ trương rất đúng. Tuy nhiên, theo tôi phải thực hiện đồng bộ từ cấp cơ sở và cả hệ thống, vì thực tế chúng ta làm thí điểm rất tốt, nhưng việc điều hành có phần lúng túng, bởi lẽ cấp trên thực hiện theo mô hình cũ, nhưng cấp dưới lại theo mô hình nhất thể hóa. Việc bầu trực tiếp một số chức danh ở cơ sở là rất đáng hoan nghênh vì người dân, đảng viên tiếp xúc thường xuyên với cán bộ, biết rõ cán bộ nên việc lựa chọn người hiền tài sẽ rất tốt. Còn đối với cấp huyện, phải cung cấp thông tin đầy đủ, cần thiết giúp người dân, cán bộ, đảng viên nắm được thông tin về các ứng viên để có sự lựa chọn đúng đắn…

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh, Bí thư Huyện ủy huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An: Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số

Tôi rất vinh dự được đại diện cho phụ nữ Nghệ An, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số về dự Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng. Tôi tin tưởng rằng, Đại hội sẽ tạo được dấu ấn tốt đẹp, thực sự “dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới”, đem lại kỳ vọng to lớn cho nhân dân.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh, Bí thư Huyện ủy huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. 

Là người dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên ở vùng núi Nghệ An nghèo khó, nhưng tôi may mắn được gia đình nuôi dưỡng, học hành, khi trưởng thành, tôi trở thành người cán bộ của bản, của xã rồi cán bộ huyện. Qua từng cương vị công tác, tôi thấy rằng, đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ nữ gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn chị em không được học hành đến nơi đến chốn, tình trạng tảo hôn, lấy chồng sớm của phụ  nữ dân tộc đang còn diễn ra ở nhiều nơi; nhiều chị em sống cam chịu, lệ thuộc, tình trạng trọng nam kinh nữ ở nhiều vùng dân tộc vẫn còn diễn ra rất nặng nề. Chính vì vậy, chị em rất thiếu tự tin, ít có cơ hội vươn lên trong cuộc sống…

Theo tôi, để có một đội ngũ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ, Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác động viên, khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, ưu tiên bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, điều kiện, yêu cầu cụ thể của địa phương để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương…

Đồng chí Nguyễn Đăng Túc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh: Quyết sách đúng, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế-xã hội

Điều mà bản thân tôi mong chờ nhất tại Đại hội XII của Đảng có lẽ cũng trùng với mong muốn của đông đảo đảng viên và nhân dân. Tôi tin tưởng Đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới có tầm nhìn rộng, trí tuệ cao, hết lòng vì Đảng, vì dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đòi hỏi những người chèo lái con thuyền Tổ quốc giữa muôn trùng gian khó vượt qua được mọi thử thách, tranh thủ cơ hội đưa đất nước phát triển.

Đồng chí Nguyễn Đăng Túc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Tôi cho rằng, nhiệm kỳ 2015-2020, đổi mới trước hết cán bộ, đảng viên của Đảng phải làm việc hết lòng, hết sức, không ngại va chạm, rũ bỏ tư tưởng cục bộ, đưa ra quyết sách đúng đắn vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Người dân mong muốn nhiệm kỳ tới, Đảng ta có những nghị quyết, chính sách tạo được sự đột phá, góp phần đổi mới đồng bộ kinh tế, hoàn thiện thể chế chính trị, thực hiện bằng được các nội dung lớn Đại hội đề ra. Tăng cường xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại..

Đồng chí  Nguyễn Thị Nữ Y, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh: Đổi mới phương thức lãnh đạo phải bắt đầu từ đổi mới tư duy cán bộ

Đổi mới phương thức lãnh đạo là vấn đề sống còn của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Điều đó không chỉ thể hiện ý chí, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân của Đảng, mà đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn là cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ta.

Đồng chí  Nguyễn Thị Nữ Y, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh.

Theo tôi, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải bắt đầu từ đổi mới tư duy cán bộ. Vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ nào phong trào ấy...  Cán bộ giỏi, Đảng mới mạnh. Đổi mới tư duy cán bộ, chính là đổi mới cách nghĩ, cách làm, trong đó đề cao vai trò của cán bộ đảng viên gắn với thực hiện chức trách nhiệm vụ... Trong công tác xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy các cấp của Đảng, phải coi trọng xây dựng hệ thống cấp ủy, đồng thời với việc kiện toàn hệ thống cơ quan tham mưu giúp việc. Nếu không xây dựng hệ thống cơ quan tham mưu giúp việc tốt thì không thể đổi mới và nâng cao chất lượng lãnh đạo của các cấp ủy. Trong khi kiện toàn hệ thống các cơ quan tham mưu giúp việc, yếu tố quyết định là phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, hệ thống quy chế làm việc và xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự có năng lực. Cán bộ, đảng viên ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong giai đoạn mở cửa hội nhập, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phổ cập thêm một số kiến thức như: Khoa học tổ chức, quản lý kinh tế, tin học, ngoại ngữ. Các cấp ủy phải quan tâm giải quyết đúng mối quan hệ giữa đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ...

NGUYÊN THẮNG – TRỊNH DŨNG – VIỆT CƯỜNG (thực hiện)