35 năm đổi mới đủ để chúng ta cất cánh trong tương lai

PV: Trong số những điểm mới, điểm nhấn mà ông vừa phân tích có một vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội. Đó là việc xác định cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, ông có đánh giá như thế nào về thành tựu sau 35 năm chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới mà dự thảo văn kiện đã nêu ra?     

PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.  

PGS,TS Nguyễn Viết Thông: Thực tế các đại hội trước, chúng ta cũng đã có ý thức trách nhiệm là xác định Việt Nam ở đâu, trên bản đồ thế giới. Nhiệm vụ của Đại hội XIII, nghĩa là phải nhìn lại cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới như thế nào. Đấy chính là một nhiệm vụ của bất kỳ tại hội Đảng nào, nhưng Đại hội XIII lại càng quan trọng hơn, nhìn lại cơ đồ thì trong báo cáo chính trị cũng như báo cáo kinh tế và báo cáo xây dựng Đảng đều khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Ta đang có nhiều thứ so với trước đổi mới. Về kinh tế không chỉ là tốc độ tăng trưởng, bình quân đầu người mà nhìn thấy cơ đồ, kể cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, những cơ sở vật chất mà chúng ta đã tạo ra sau 35 năm đổi mới đủ để chúng ta cất cánh trong tương lai. Ví dụ về giao thông, trước đổi mới, đường sắt, đường bộ, đường trên không rất lạc hậu.

Đến giờ phút này, đường trên không đã được mở rộng; nâng cấp và xây dựng nhiều sân bay mới như sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay quốc tế khác… Chúng ta đều biết những ngày cuối cùng của năm 2020, qua nhiều lần xem xét ở Trung ương, ở Bộ Chính trị rồi đưa ra Quốc hội đã quyết định xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Vừa rồi chúng ta đã khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và theo nhiều nhận định, sau khi xây dựng xong, sân bay quốc tế Long Thành là một trong 16 sân bay vào loại hiện đại của thế giới. Đấy là cơ đồ. Hay trong thời buổi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, Việt Nam chúng ta đã có 3G, 4G, 5G...

Qua dịch Covid-19, giáo dục thì dạy trực tuyến, Quốc hội họp trực tuyến. Các bộ, ngành, địa phương họp trực tuyến nếu như không có cơ sở vật chất về thông tin viễn thông làm sao chúng ta thực hiện được những bước tiến vượt bậc trong thực hiện Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Một vài điểm như thế để thấy rằng cơ đồ đất nước ta khác xưa. Về tiềm lực của Việt Nam còn rất lớn, tiềm lực vật chất, tiềm lực tinh thần gần 100 triệu dân, hơn 50 triệu lao động, trình độ lao động người Việt Nam rất cao. Năng lực sáng tạo của Việt Nam cũng rất cao, thế giới xếp chúng ta ở khoảng vị trí thứ 40 trên thế giới, năng lực đổi mới sáng tạo rất lớn, đấy là tiềm lực con người, tiềm lực trí tuệ. Nhưng tiềm lực tinh thần ở Việt Nam chúng ta có nét riêng biệt không phải quốc gia nào cũng có, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí vươn lên mạnh mẽ. Thời kỳ đầu đổi mới, chúng ta bị bao vây, cấm vận, hầu như không có quan hệ với các nước trên thế giới nhưng đến giờ phút này, Việt Nam không chỉ có quan hệ ngoại giao với các nước mà còn tham gia vào hầu hết các tổ chức trên thế giới và khu vực, đặc biệt như nhiệm kỳ này, những tổ chức chúng ta tham gia đều rất quan trọng, không ai nghĩ đến như là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), rồi mới đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RCEP). 

Nhiệm kỳ này, Việt Nam chúng ta được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với một số phiếu chưa từng có là 192/193 nước bỏ phiếu cho Việt Nam. Hay năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng những sáng kiến của chủ nhà là gắn kết ASEAN và thích ứng thì sáng kiến của Việt Nam mà có được RCEP. Trên cơ sở xác định được Việt Nam ở đâu trên bản đồ quốc tế thì những khẳng định này có ý nghĩa lớn lao. Đây không chỉ là điều kiện mà còn tạo tiền đề cho mọi người dân Việt Nam có một niềm tin, quyết tâm để mà đưa đất nước tiến lên sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Đất nước đang trên con đường hội nhập, phát triển. Ảnh: PHI HÙNG. 

Những mục tiêu 5 năm, 10 năm và xa hơn

PV: Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thì mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội lần này là đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao. Vậy ông có dự báo như thế nào về những lộ trình này? Liệu chúng ta có thể hoàn thành thắng lợi những mục tiêu cụ thể này hay không?

PGS,TS Nguyễn Viết Thông: Theo tôi, để xác định được hệ mục tiêu này, các cơ quan chức năng đã tính toán rất kỹ. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, ngày 1-7-2020, những nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 4.045 USD là thu nhập trung bình thấp. Từ 4.045 USD đến 12.535 USD là thu nhập trung bình cao, từ 12.535 USD trở lên là thu nhập cao. Đương nhiên số này không phải bất di bất dịch, họ sẽ điều chỉnh qua từng năm nhưng theo thống kê, số điều chỉnh cận dưới và cận trên này không nhiều. Cứ giả định đến năm 2025, cái cận dưới của số đó ngày 1-7-2020 là 4.045 USD, giả định 5 năm tới, điều chỉnh đến năm 2025 là 4.300 USD - 4400 USD và lúc bấy giờ theo ước tính chúng ta đạt được 4.700 USD đến 5000 USD. Như vậy là hoàn toàn đạt được mục tiêu là vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, hoàn toàn khả thi.

Các Đảng bộ của các tỉnh, thành phố người ta cũng đã tính toán kỹ. Như Đảng bộ Hà Nội, họ đã ghi vào trong Nghị quyết đến năm 2030 thì Hà Nội bình quân thu nhập đầu người là hơn 36.000 USD. Nhưng cũng phải nói thêm trong báo cáo chính trị có một câu là chúng ta phấn đấu với mục tiêu cao nhất nhưng cũng chuẩn bị các phương án xấu nhất. Năm 2020, bất thình lình đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội và sự phát triển đất nước.

Trong dự báo tình hình cũng đã dự báo cái đó, không ai loại trừ rằng những năm tới đây sẽ xuất hiện các loại dịch bệnh khác, thậm chí nguy hiểm hơn. Dự báo của chúng ta là biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhưng với dự báo tình hình như hiện tại thì khả năng đạt được mục tiêu đến năm 2025, 2030, 2045 là khả thi, trừ trường có những biến cố lớn xảy ra, chúng ta buộc lòng phải điều chỉnh. Dựa vào thực tế và dựa vào ý chí quyết tâm, khát vọng, chúng ta đề ra mục tiêu như thế.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu nghe giới thiệu tại cuộc trưng bày sản phẩm quốc phòng và kinh tế do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nghiên cứu, sản xuất (tháng 9-2020). Ảnh: HOÀNG HÀ. 

Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc

PV: Vậy còn một điểm mới trong Dự thảo văn kiện mà ngay từ phần đầu ông cho rằng rất quan trọng, đó là những điểm mới trong quốc phòng - an ninh. Cá nhân ông có nhận định như thế nào về những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta hiện nay?

PGS,TS Nguyễn Viết Thông: Như tôi đã nói, trong dự báo tình hình thế giới và khu vực trong nước những năm tới liên quan đến quốc phòng - an ninh, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ liên quan đến bảo vệ Tổ quốc cũng có những thách thức. Ngay trong chủ đề Đại hội XIII lần này cũng tiếp tục khẳng định phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Chúng ta đánh giá 5 năm cũng như nhìn lại 10 năm, 30 năm khẳng định những thành tựu đạt được trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc nhưng cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm. Trong nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ Tổ quốc so với Đại hội XII cũng có nhiều cái mới. Chúng ta tiếp tục khẳng định mục tiêu bất di bất dịch là phải bảo vệ Tổ quốc và trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để bảo vệ được vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống thì phải làm nhiều việc, trong đó phải tiếp tục đổi mới tư duy về quốc phòng – an ninh, tức là phải có tư duy phòng từ sớm từ xa tất cả những nhân tố liên quan đến quốc phòng – an ninh.

Thứ hai, cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mới so với Đại hội XII là xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và hiện đại vào năm 2030 và cái mới là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển. Đồng thời phải thực hiện tốt các chiến lược cụ thể mà như nhiệm kỳ Đại hội XII Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chiến lược, chiến lược an ninh mạng, chiến lược biên giới. Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu xâm chiếm Việt Nam và lật đổ chế độ này, nên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hay là cụ thể hơn đó là đối với quốc phòng - an ninh nặng nề hơn. Đây là một trong những điểm mới mà cán bộ, đảng viên, nhân dân rất quan tâm trong văn kiện Đại hội XIII lần này.

PV: Vậy những quan điểm mà Đảng chỉ ra như ông vừa gọi là tư duy mới về vấn đề bảo vệ Tổ quốc, theo ông đó là những vấn đề nào?

PGS,TS Nguyễn Viết Thông: Tư duy để bảo vệ Tổ quốc, trước hết tư duy về dự báo tình hình thế giới, trong nước cho thật chính xác. Trên cơ sở dự báo mới thì phải hình thành tư duy về thích ứng hay ứng phó với những cái mới. Chẳng hạn như vấn đề bảo vệ Tổ quốc, không phải trực tiếp mà vấn đề phải là từ sớm, từ xa, những nguy cơ nào có thể liên quan đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc thì chúng ta phải có tư duy mới như vậy. Như tôi nói từ sớm, từ xa chứ không phải là từ khi đất nước lâm nguy. Đây là tư duy xuyên suốt nhưng đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, phương pháp cụ thể thì mới hiện thực hóa được từ sớm, từ xa. Tư duy mới như tôi nói là về hiện đại hóa Quân đội, Công an. Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2030. Dự thảo nêu mục tiêu với tất cả hiện đại nhưng hiểu hiện đại ở đây là như thế nào, thì phải hiện đại một cách tổng thể và toàn diện.

Lâu nay, một số người chỉ hiểu hiện đại là vũ khí, trang bị, là cơ sở vật chất cho quốc phòng – an ninh. Đấy chỉ là một nội dung của hiện đại, còn hiện đại phải theo nghĩa rộng. Hiện đại trong chiến lược hiện đại, trong sách lược hiện đại, trong phương án tác chiến, đấy là tư duy mới. Vấn đề nữa là phải sản xuất, nên vấn đề chúng ta phải vươn lên để sản xuất được các vũ khí và phương tiện hiện đại để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng – an ninh. Ví dụ như công nghiệp quốc phòng – an ninh phải đổi mới mạnh mẽ về công nghệ. Bây giờ là chiến tranh công nghệ cao thì tư duy về cách đánh như thế nào cũng là cái mới. Tư duy đối tác, đối tượng phải thật sự uyển chuyển, không cưỡng ép, không có đối tác vĩnh viễn, cũng không có đối tượng vĩnh viễn. Hay kể cả một vấn đề mà lâu nay chúng ta đã nói về nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Tóm lại phải có tư duy; đồng thời nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra phải có quyết tâm chính trị rất cao và quyết liệt đưa nghị quyết vào cuộc sống thì mới bảo vệ được vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PV: Chỉ còn ít ngày nữa thôi thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra, trước thềm Đại hội diễn ra ông có kỳ vọng và gửi gắm gì với sự thành công của Đại hội sắp tới?

PGS, TS Nguyễn Viết Thông: Những chuẩn bị của chúng ta cho Đại hội XIII của Đảng, kể cả văn kiện, kể cả nhân sự và khâu tổ chức Đại hội, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp, một cách toàn diện, kể cả văn kiện, kể cả nhân sự và kể cả khâu tổ chức Đại hội. Như năm 2020, chúng ta đã tiến hành đại hội Đảng các cấp từ cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương và đã thành công tốt đẹp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

PHƯƠNG CHI – HUYỀN ANH – KHÁNH LY (thực hiện)