Không những lời nói chẳng lọt lỗ tai mà thậm chí còn lấy phê bình để đả kích lẫn nhau, hòng làm mất vị trí, vai trò, uy tín của đảng viên khác. Đồng thời, viện dẫn lý do để bào chữa cho những hạn chế, thiếu sót của mình. Cứ như thế, người này chưa hết câu người kia đã đứng lên phản bác. Sức nóng của hội nghị chỉ hạ bớt nhiệt khi có sự can thiệp của đồng chí bí thư chi bộ, nhằm điều chỉnh cách thức phê bình.
Hiện tượng đó, không chỉ có ở đơn vị X mà còn nhiều nơi đang mắc phải. Trong đó, phần lỗi ở cả người phê bình và người được phê bình. Tục ngữ có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chỉ khi nắm rõ mục đích của tự phê bình và phê bình là chỉ ra cái sai của đồng chí, đồng đội, của tập thể để ai nấy đều nhận rõ khuyết điểm và cùng nhau tiến bộ mới là điều đáng quý.
Vậy làm thế nào để thực hiện tự phê bình và phê bình có hiệu quả? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng huấn thị: Tự phê bình và phê bình không phải vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết mà cốt là dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo, giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn.
Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Người chỉ rõ cách phê bình: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.
Thiết nghĩ, căn cứ tình hình thực tiễn của mỗi tổ chức đảng, để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, thì tự phê bình và phê bình phải đúng quy trình, phương pháp, nghiêm túc không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích. Khi phê bình phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, có lý, có tình, mềm dẻo, khéo léo về cách thức để người có khuyết điểm nhận thấy khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm.
Và hơn hết, phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng; có tình đồng chí yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, phải công khai, trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, “không nhẹ trên, nặng dưới”; biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình; kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm... Làm tốt những điều này thì chất lượng tự phê bình và phê bình sẽ được nâng lên.
PHAN XUÂN ĐỊNH