Tiến sĩ TRẦN HUY HỌC, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm họp
Hội họp là một trong những cách thức hiệu quả để giải quyết công việc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, qua đó người đứng đầu hoặc tập thể lãnh đạo thực hiện sự lãnh đạo, quản lý, điều hành và giải quyết các nhiệm vụ, công việc thuộc chức năng, thẩm quyền. Thế nhưng, nếu lạm dụng thì hội họp sẽ trở thành “gánh nặng”, mang tính hình thức, gây lãng phí về thời gian, nhân lực, tiền bạc... Do đó, cần đổi mới tư duy, nhận thức về hội họp để tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xây dựng, vận hành chính quyền điện tử được triển khai tương đối đồng bộ ở các cấp, các ngành. Nhất là trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin thông qua triển khai họp trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp. Do đó, tôi cho rằng, cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến thay cho họp trực tiếp, vừa để tiết kiệm kinh phí tổ chức hội nghị, vừa tiết kiệm được chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian cho đại biểu được mời dự họp. Không những thế, họp trực tuyến cũng là phương thức hữu hiệu để giảm các cuộc họp với cùng một nội dung. Với hình thức họp trực tuyến, nội dung công việc sẽ được cấp cơ sở tiếp nhận cùng lúc với cấp trên trực tiếp, thay vì ở mỗi cấp đều phải tổ chức cuộc họp riêng, qua đó vừa giảm bớt những cuộc họp không cần thiết, đồng thời giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần khai thác và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, các sản phẩm công nghệ trong công tác quản lý hành chính, từ đó sẽ giảm họp.
 |
Ảnh minh họa |
--------------------------------------------------------------------
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN NGUYÊN, Giảng viên Học viện Ngân hàng:
Siết chặt chi tiêu ngân sách cho hội họp
Xung quanh việc họp hành, hội nghị ở nước ta, có không ít chuyện đáng bàn. Ngoài chuyện lãnh đạo các cấp mỗi tuần, mỗi tháng phải dự họp quá nhiều thì còn nhiều cuộc họp vô bổ, không mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều cuộc họp, ban tổ chức mời đại biểu tham dự chỉ căn cứ vào chức danh, chức vụ, học hàm, học vị để "cố tình" làm cho cuộc họp trở nên trang trọng, mà chưa thật quan tâm đến chất lượng, hiệu quả cuộc họp đạt được đến đâu.
Thực trạng đáng lo ngại hơn đó là xuất hiện ngày càng nhiều cuộc họp, hội nghị được tổ chức ở khu du lịch hạng sang, lợi dụng tổ chức hội nghị, họp hành, tập huấn để tranh thủ nghỉ dưỡng và nhiều người gọi đó là những cuộc họp giải ngân theo kế hoạch. Chắc chắn rằng, kinh phí cho những cuộc họp giải ngân như thế rất tốn kém, họp dài ngày kinh phí càng nhiều, từ chế độ ăn, nghỉ của đại biểu, tiền thuê hội trường, phục vụ... và tất cả đều được lấy từ ngân sách.
Khó có thể ước lượng được ngân sách hằng năm chi tiêu cho việc họp hành, hội nghị, tập huấn ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhưng chắc chắn con số ấy không hề nhỏ. Để hạn chế tối đa những cuộc họp vô bổ, họp để giải ngân, họp để tranh thủ nghỉ dưỡng, nhất thiết phải siết chặt kỷ cương trong chi tiêu ngân sách, đẩy mạnh khoán chi, phân loại và thực hiện nghiêm tiêu chuẩn giải ngân, chi tiêu cho các cuộc họp. Cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm toán và xử lý mạnh tay với những trường hợp lợi dụng việc họp để tranh thủ nghỉ dưỡng hay phục vụ công tác giải ngân...
-----------------------------------------------------------------------
Thạc sĩ NGUYỄN HẢI HÀ, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ:
Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng diễn ra quá nhiều cuộc họp đó là chúng ta hay vin vào lý do phải “lấy ý kiến tập thể” và không hiếm trường hợp, họp là để hợp thức hóa ý chí cá nhân, bằng cách đưa ra tập thể bàn bạc, lấy ý kiến. Họp quá nhiều dẫn đến trách nhiệm chung chung, trách nhiệm thuộc về tập thể, còn trách nhiệm cá nhân không được đề cao. Nhiều nội dung công việc phải chờ họp, chờ lấy ý kiến, nên dẫn đến trì trệ, ách tắc, không có giải pháp giải quyết kịp thời.
Có nhiều giải pháp để giảm các cuộc họp không cần thiết cũng như nâng cao chất lượng từng cuộc họp. Tôi nhấn mạnh đến việc đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ, hay nói cách khác là từng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, từ người lãnh đạo quản lý trở xuống phải thực hành tốt “đúng vai, thuộc bài”. Theo đó, nguyên tắc cơ bản để giảm họp là từng bộ phận, cá nhân thực hiện đúng quyền hạn và chức năng của mình theo quy định của pháp luật và phát huy vai trò người đứng đầu. Người lãnh đạo và bản thân cán bộ, công chức phải có ý thức tự nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình để đưa ra những quyết định đúng đắn. Để bảo đảm chất lượng cuộc họp thì người chủ trì phải là người có thẩm quyền ban hành quyết định, giải quyết được vướng mắc. Những vấn đề, công việc đã được giao quyền, hoặc phân cấp, ủy quyền thì phải mạnh dạn, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi các công việc, nhiệm vụ được giải quyết theo đúng thẩm quyền, các cơ quan làm hết trách nhiệm của mình thì sẽ giảm thiểu số lượng các cuộc họp không cần thiết.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.