Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai thì vẫn còn đó không ít băn khoăn, trăn trở khi mà khâu vận hành chưa thật trơn tru, nhịp nhàng, hiệu quả và nhất là chưa theo đúng quỹ đạo, xu hướng tinh giản mà Trung ương đã vạch định.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhất quán: “Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả”. Đây là một trọng tâm trong thực hiện tinh giản biên chế-một chủ trương đúng đắn, sát với đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Minh chứng là, trong hệ thống chính trị đất nước vẫn còn không ít tổ chức, cơ quan, bộ phận ở khâu trung gian có chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, hoặc chồng lấn, hoặc “vô thưởng vô phạt”-có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Trong khi đó, một số tổ chức, cơ quan trung gian hoạt động kém hiệu quả; tham mưu không đến nơi, chất lượng thấp; chỉ đạo, hướng dẫn cũng chưa tròn vai, hoặc chưa đủ thẩm quyền, thiếu tính khả thi. Có nơi khâu trung gian trở thành điểm nghẽn trong sự vận hành, gây khó, khổ cho cơ sở...

Cũng ở khâu này, nhiều cán bộ, công chức, viên chức mắc bệnh quan liêu, nặng lối làm việc văn phòng, theo kiểu “ăn bám” vào biên chế nhà nước, sáng cắp ô đến, chiều cắp ô về, đến tháng lĩnh lương; gây nên sự cồng kềnh, rối rắm, khiến bộ máy hoạt động trì trệ, kém chất lượng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Báo Dân trí 

Tất nhiên, trong thời gian qua, nỗ lực tinh giản ở khâu trung gian được thực hiện khá quyết liệt, đồng bộ; nhiều nơi thể hiện quyết tâm chính trị rất cao... Thế nhưng vẫn còn không ít nơi chỉ nặng phần tung hô khẩu hiệu, thực hiện việc sáp nhập một cách cơ học, theo lối dịch chuyển tên gọi, vị trí làm việc, chứ số lượng và chất lượng nhân sự thì vẫn thế. Thậm chí, có nơi sau sáp nhập thì sinh ra lúng túng, vận hành thiếu hiệu quả; lại có nơi “phình thêm ra” một cách khó hiểu?

Trong khi, tinh thần tinh giản lại được thực hiện quyết liệt, triệt để ở cấp cơ sở. Hàng loạt các xã, phường, thị trấn được sáp nhập; nhiều cán bộ, công chức xã buộc phải nghỉ việc, thôi việc để bảo đảm các chỉ tiêu được đặt ra trong quá trình tinh giản biên chế. Thành thử, dù được ví như những chùm rễ bám vào quần chúng nhân dân và thực tiễn đời sống xã hội, nhưng số lượng cán bộ ở mỗi xã chỉ bảo đảm hơn 20 nhân sự. Số lượng đã ít, chế độ đãi ngộ cũng chưa thật thỏa đáng, công tác bồi dưỡng đào tạo có nơi bị xem nhẹ, các quy định trong tạo nguồn, phát triển lên cao cũng gặp không ít khó khăn... Đó là những rào cản nhãn tiền, khiến cán bộ cơ sở ngày càng vất vả, mất dần động lực phấn đấu và chưa thể phát huy hết năng lực, sở trường công tác, cống hiến.

Thiết nghĩ, nếu ví hệ thống chính trị như một cây đại thụ, thân cây muốn phát triển thì gốc cây phải vững chắc. Mà gốc ở đây chính là tổ chức đảng cơ sở, hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cán bộ cơ sở. Nếu rễ cây mà thưa ít, không đủ sức bám vào mảnh đất thực tiễn và gắn kết với lòng dân thì quả rất đáng lo ngại!

Bởi thế, việc tinh giản biên chế cần nhất quán hiện thực theo đúng với định hướng của Trung ương. Sắp tới, cần tập trung cắt gọt bớt những phần thừa thãi ở khâu trung gian và hướng sự ưu tiên nhiều hơn cả về nhân lực và vật lực cho cơ sở. Có vậy thì gốc cây mới vững, thân cây mới chắc và hệ thống chính trị mới có thể tốt tươi muôn đời.

NGUYỄN TRUNG HIẾU