Chính sách xã hội được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng
Trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề CSXH giai đoạn 2012-2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta. Kinh tế-xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Các CSXH không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng. Chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được chú trọng, thực hiện tốt. Chính sách giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị thấp. Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội...
Tuy nhiên, CSXH và quản lý phát triển xã hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hóa giàu-nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai; các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chuyển biến chưa rõ nét; giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có mặt còn hạn chế. Phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách an sinh xã hội còn thấp. Năng lực, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong ứng phó với dịch bệnh. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Việc thực hiện chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều khó khăn...
 |
Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Ảnh: bacgiang.gov.vn
|
Từ những phân tích đó, Đảng khẳng định quan điểm CSXH là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm CSXH; tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển”
Có thể thấy, điểm mới của Nghị quyết 42 là chuyển đổi cách tiếp cận từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển”; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Kết hợp hài hòa giữa tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và các CSXH khác để bảo đảm ổn định xã hội; tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết 42 mở rộng phạm vi ra toàn bộ các nhóm CSXH cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm: 1-Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. 2-Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực. 3-Chính sách bảo đảm an sinh xã hội (trụ cột là BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, giảm nghèo). 4-Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội (về y tế, giáo dục, nhà ở, văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin). 5-Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Đặt mục tiêu chỉ số phát triển con người đạt mức cao của khu vực và thế giới
Nghị quyết 42 xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng hệ thống CSXH theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững. Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Nghị quyết đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao trong khu vực. Có 35 giường bệnh viện, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân; trên 95% dân số tham gia BHYT...
Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng được ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu...
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống CSXH phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có HDI cao trên thế giới.
Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực
Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết 42 đưa ra hệ thống 9 nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về CSXH. Có thể thấy đây là một bước tiến, với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn so với Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 Hội nghị Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề CSXH giai đoạn 2012-2020 chỉ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (về chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội và giải pháp thực hiện).
Trong Nghị quyết 42, có thể thấy một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, nếu thực hiện tốt có thể tạo ra những thay đổi căn bản về CSXH trong giai đoạn tới, đó là:
Thứ nhất, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các CSXH; có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục-đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Cơ bản hoàn thành việc giải quyết tồn đọng trong chính sách người có công, nhất là tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.
Thứ hai, phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động: Tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức giáo dục, đào tạo. Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp. Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động.
Thứ ba, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng XHCN, không để ai bị bỏ lại phía sau: Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững và công bằng xã hội. Thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật. Đổi mới chính sách BHXH tự nguyện, có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia. Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế.
Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đổi mới việc huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội, cứu trợ khẩn cấp. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ tư, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng
Về giáo dục: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời. Nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hóa mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học.
Về y tế: Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hội nhập, bảo đảm điều kiện tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân hướng tới BHYT toàn dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách dinh dưỡng, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Về phát triển văn hóa: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hóa dân tộc, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Về thông tin: Thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân theo hướng bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em, nhóm yếu thế được an toàn trên môi trường mạng. Tăng cường phổ cập dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, công nghệ số.
Về nhà ở: Nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, bảo đảm cho người dân có chỗ ở thích hợp, chất lượng và an toàn, có sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và thu nhập. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội; phát triển đa dạng các loại hình nhà ở và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho một số đối tượng khó khăn. Huy động xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết, Đảng nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng trong thực hiện CSXH.
Tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện CSXH. Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về CSXH, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thường xuyên lắng nghe, phản ánh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của hội viên, đoàn viên và nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp vận động nguồn lực, khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ xã hội và tích cực tham gia thực hiện CSXH.
HỒ QUANG PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.