Đồng chí ĐỖ ĐỨC DUY, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái:
Luân chuyển cán bộ phải tròn khâu
Vệt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-thực tiễn sinh động ở Yên Bái” đã đánh giá khách quan về kết quả vận hành chủ trương luân chuyển cán bộ (LCCB), góp phần tạo nên “luồng gió mới” cho cơ sở; xóa bỏ tư tưởng cục bộ, bè cánh, trì trệ; kích thích tính cạnh tranh, nỗ lực phấn đấu thoát khỏi “ao tù” về năng lực, trình độ của mỗi cán bộ, đảng viên.
 |
Cán bộ tỉnh ở Yên Bái và lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm, kiểm tra mô hình nuôi tằm lấy kén ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành. |
Trên thực tế, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chú trọng, làm tốt việc LCCB từ trên xuống, từ dưới lên, luân chuyển ngang, luân chuyển giữa các lĩnh vực hoạt động của hệ thống chính trị (giữa cơ quan Đảng với chính quyền, đoàn thể và ngược lại). Đây là vấn đề rất khó, nhưng nếu làm tốt thì lợi ích rất lớn.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cán bộ được luân chuyển về cơ sở là một dịp hình thành động cơ phấn đấu, thôi thúc quyết tâm tự làm mới chính mình để không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định vì lợi ích chung; giúp cán bộ có thêm bản lĩnh chính trị, đề cao trách nhiệm vì sự phát triển đi lên của địa phương và phụng sự nhân dân. Mặt khác, LCCB có tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở; tạo thế khí thế mới, năng lượng mới cho cơ sở, nhất là việc góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; củng cố các cơ sở đảng yếu kém, xây dựng hệ thống chính trị từ “gốc rễ”.
Ở Yên Bái, việc LCCB không những được thực hiện tròn khâu theo các bước như Quy định số 65-QĐ/TW về LCCB vừa được Bộ Chính trị ban hành; mà các cấp còn hướng công tác LCCB xuyên suốt ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo cả hai chiều luân chuyển lên và xuống. Không nên nhốt cán bộ vào một vài vị trí như kiểu “sống trong ao tù”, mà sinh ra thiếu thực tế, rơi vào chủ nghĩa kinh viện, giáo điều. Nếu không làm được đều đó thì thực trạng một số cán bộ công tác ở cơ quan chiến lược nhưng không thể làm tốt công tác tham mưu, soạn thảo chính sách vẫn ít nhiều xa rời thực tiễn, tính hiệu quả của văn bản không cao.
Chính vì vậy, sắp tới Yên Bái sẽ đẩy mạnh LCCB cấp tỉnh về cấp xã. Yên Bái cũng đề xuất, việc LCCB nên đưa cả cán bộ ở cấp cục, vụ (thuộc ban, bộ, ngành Trung ương) luân chuyển về các sở, ban, ngành địa phương, rồi mới trở về Trung ương giữ các vị trí công tác cao hơn. Đặc biệt, chúng ta không nên mặc định tư duy LCCB Trung ương chỉ về làm lãnh đạo địa phương, mà cán bộ cấp vụ, cấp cục về cơ sở thì tư duy thực tiễn sẽ được bồi bổ, làm giàu thêm kinh nghiệm quản lý, điều hành, xử lý các sự việc, tình huống cụ thể gắn với cơ sở và nhân dân.
Qua đó mà tư duy chính sách của cán bộ sẽ khác hơn, rõ hơn, sát hơn với cơ sở. Đặc biệt, khi cán bộ Trung ương về cơ sở sẽ mang theo tư duy và cách làm mực thước của cơ quan chiến lược, giúp địa phương phát triển đột phá; đồng thời sẻ chia, thấu hiểu trước những khó khăn của cơ sở, từ đó nâng cao quyết tâm chính trị trong thực hành nhiệm vụ trên từng cương vị, chức trách được giao phó.
----------------------
TS NGUYỄN ĐẮC TUYỀN, Chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên:
Không thể sơ cứng, áp đặt trong vận dụng chủ trương
Đọc loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái”, tôi thấy rằng sự vận dụng của Yên Bái là rất sâu sát, đúng với thực tiễn và “thấu tình đạt lý”. Hàng loạt vấn đề vốn trước đây có nhiều ý kiến trái chiều, bất nhất, thậm chí đã được đưa ra nghị trường để bàn thảo, tranh luận, thì qua loạt bài thấy rằng, Yên Bái đã vận hành linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả.
Tôi cho rằng, bao giờ cũng vậy, chủ trương của trên luôn có tính chiến lược, bao trùm; chứa đựng những vấn đề chung nhất cho mọi địa phương, nhưng khi vận dụng phải bám thực tiễn cơ sở, không cứ ở mọi nơi phải rập khuôn, máy móc như nhau. Ví như chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương là đúng, nhưng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì gặp khó, chưa thật thuận lòng dân; việc duy trì chi bộ quân sự xã, phường thị trấn, ở tỉnh Yên Bái và các địa phương Tây Bắc thì chưa thật hiệu quả do phải dồn đảng viên chất lượng cao về sinh hoạt với dân ở chi bộ khu dân cư...
Trong khi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì mô hình, loại hình chi bộ này phát huy hiệu quả rất tốt; hoặc các mô hình thí điểm về sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể với nhau, cũng cần được vận hành mềm dẻo, sáng tạo, linh hoạt.
Như vậy, vấn đề ở đây là cấp có thẩm quyền nhất thiết không được sơ cứng, áp đặt trong triển khai các chủ trương. Không thể chỉ đạo theo kiểu “thầy bói xem voi”, “vận hành” cách làm ở địa phương này áp đặt, bắt buộc thực hiện rập khuôn ở địa phương khác. Tôi cho rằng, muốn có cơ sở mạnh thì phải nhất quán việc “gieo trồng” chủ trương trên mảnh đất thực tiễn, để thực tiễn tự kiểm định và quyết định phương thức vận hành chủ trương. Hay nói cách khác là phải biết lắng nghe cơ sở, tuân theo các quy luật bất biến của thực tiễn để quy tụ “lòng dân” hiện thực “ý Đảng”.
Cùng với đó, các địa phương, vùng miền có những yếu tố vị trí địa lý, dân số, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... khác nhau, cần chú trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng, để trả lời câu hỏi: Tại sao ở địa phương bạn làm tốt, hiệu quả mà ở địa phương mình chưa thật hợp lý, chưa hiệu quả? Trên cơ sở đó mà chia sẻ kinh nghiệm, học tập mô hình lẫn nhau, để cùng làm tốt, cùng tiến bộ, phát triển. Trong khi đó, cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc nghiên cứu, để có những khuyến cáo, khuyến nghị phù hợp với Trung ương và cấp có thẩm quyền!
----------------------------
Đồng chí NGUYỄN QUỐC TOẢN, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trấn Yên, tỉnh Yên Bái:
Tháo gỡ vướng mắc sau sáp nhập, hợp nhất
Đối với việc sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan cấp tỉnh, huyện ở Yên Bái nói chung, Trấn Yên nói riêng thì sau khi sắp xếp các bộ máy đã hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đạt kết quả ấn tượng bước đầu. Thế nhưng, thực tiễn cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc.
Khó khăn nhãn tiền là mô hình hợp nhất Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh với Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh còn nhiều điều phải bàn. Ví như, chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 293-QĐ/TW, Quy định số 294-QĐ/TW ngày 23-3-2010 của Ban Bí thư còn một số bất cập, chậm được điều chỉnh bổ sung. Đảng ủy Khối không lãnh đạo toàn diện trong khi các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ gồm nhiều loại hình, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Hầu hết cấp ủy cơ sở là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sở, ban, ngành quản lý, do đó, Đảng ủy Khối không chủ động được trong công tác cán bộ đối với cơ sở.
Mô hình hợp nhất các cơ quan chuyên môn của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện mới chỉ hợp nhất về tổ chức, biên chế, chứ chưa có sự đổi mới đồng bộ về thể chế tổ chức, cán bộ, tài chính; trong khi, việc quản lý biên chế của các cơ quan hợp nhất vẫn còn bất cập.
Mặc khác, về chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý cán bộ, công chức và biên chế có hai hệ thống cùng chỉ đạo và quản lý. Về đối tượng và hệ thống văn bản làm căn cứ thực hiện nhiệm vụ còn có sự khác nhau; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan sau hợp nhất có nâng lên nhưng chưa thực sự rõ nét. Việc xác định mẫu con dấu, sử dụng con dấu và thể thức ban hành văn bản chưa thống nhất, do đó gặp khó khăn trong thực hiện cơ chế vận hành, vừa tham mưu cho cấp ủy vừa tham mưu cho chính quyền...
Riêng đối với mô hình cơ quan kiểm tra-thanh tra ở cấp huyện: Do quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ủy ban kiểm tra và thanh tra có sự khác nhau; việc bổ sung, kiện toàn các chức danh lãnh đạo thanh tra, bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên còn có vướng mắc do phải bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21-10-2011 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV ngày 08-9-2014 của Bộ Nội vụ.
Mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp huyện nhìn chung còn khó khăn trong chỉ đạo hoạt động bảo đảm liên thông, đồng bộ từ cơ quan mặt trận tổ quốc và đoàn thể tỉnh đối với cấp huyện; việc lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo khối trong hoạt động của cơ quan khối còn lúng túng do các cơ quan khối tồn tại độc lập, hoạt động theo luật và điều lệ riêng của tổ chức, chưa phân định rõ thời gian, nhiệm vụ chung, nhiệm vụ riêng...
Những khó khăn đó không thể giải quyết một sớm một chiều và cơ sở cũng không thể tự giải quyết được. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, nhất là các cơ quan chức năng liên quan ở Trung ương trong thời gian tới.
-----------------------
Trung tá ĐÀO VĂN VIỆT, Phó trưởng Phòng Tổ chức, Cục Chính trị (Quân khu 5):
Sớm có lời giải cho những vấn đề nảy sinh
Những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở được đề cập trong loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” là một thực tiễn nhãn tiền. Đây không chỉ là khó khăn của riêng Yên Bái mà là khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở cơ sở.
Do đó, các vấn đề: Nên hay không nên bố trí cán bộ chuyên trách văn phòng đảng ủy xã? Có nên bố trí thêm cán bộ chuyên trách công tác xây dựng Đảng ở cấp xã?... là những vấn đề mà cơ sở đã thẳng thắn đề xuất, kiến nghị. Mặc khác, cần phải có những đánh giá toàn diện về việc thí điểm sáp nhập, mô hình hợp nhất các cơ quan cấp huyện, tỉnh để nhận rõ các vấn đề nảy sinh, đang gây khó cho cơ sở. Theo ý kiến của đông đảo cán bộ các cấp thì không nên kéo dài việc thí điểm, mà phải có phương án, quyết định kịp thời, sớm nhất có thể (triển khai trên diện rộng, hoặc chấm dứt) nhằm “tháo vòng kim cô” cho cán bộ ở những vị trí cơ quan hợp nhất; bởi lẽ; một khi bộ máy chưa đồng bộ ở các cấp, thì gánh nặng công việc, nhất là thủ tục hành chính sẽ gây nhiều áp lực, khó khăn thường nhật cho cơ sở.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng rất mong muốn cơ quan chức năng của Trung ương sớm tiến hành khảo sát kỹ lưỡng lại một số vấn đề: Nên hay không nên có phụ cấp đối với các trưởng ngành ở thôn, bản; có nên tăng phụ cấp và các nguồn thu nhập cho cán bộ cơ sở, vì phần đa cán bộ thuộc diện này còn rất nhiều khó khăn về mặt kinh tế, chi phối đến tâm huyết, trách nhiệm công tác. Ngoài ra, cơ quan chức năng Trung ương cũng cần sớm nghiên cứu, có lời giải cho bài toán phát triển đảng ở cơ sở; nhất là việc nên hay không nên áp đặt chỉ tiêu cụ thể, khi mà Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua đã nhất quán quan điểm phát triển đảng viên theo phương châm: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”.
Đội ngũ cán bộ cơ sở cũng đề xuất việc không nên tổ chức thi tuyển các chức danh, vì nghe qua thì có vẻ tích cực, là hướng đi mới, nhưng nếu chưa có khung “tiêu chí cứng” cho từng vị trí, chức danh, cương vị công tác thì không nên tổ chức thi tuyển, vừa nặng hình thức, vừa gây tốn kém. Ví như, thi tuyển giáo viên thì cần thực giảng, tuyển bác sĩ thì phải có những tình huống xử lý cụ thể của ngành; chứ không thể áp đặt một vài môn thi chung chung cho tất cả các vị trí. Cơ sở cũng đề xuất việc sớm xác nhận tính hiệu quả của ban cán sự đảng (cả ở Trung ương và cấp tỉnh) và các loại hình chi bộ cơ quan, chi bộ quân sự, chi bộ công an...
Tất cả những vấn đề nêu trên cần được khảo sát đến cấp chi bộ thôn, bản và gặp gỡ người dân, chứ không nên dừng lại ở những buổi kiểm tra thiếu thực chất, nặng hình thức; càng không nên dừng lại ở những cuộc hội thảo khoa học Trung ương, hay hội nghị ở cấp tỉnh.
---------------------------
Đồng chí VÕ QUANG THẠCH, Bí thư Đảng ủy xã Long Hiệp, huyện Minh Long (Quảng Ngãi):
Xóa bỏ tư duy “tráng men”
Tôi cho rằng việc cử cán bộ đi luân chuyển, cáng đáng các vị trí công tác ở cơ sở là một dịp giúp cán bộ cọ xát với thực tế phong phú. Họ sẽ tiến bộ nếu được giao việc thực chất và được dấn thân vào môi trường "sàng lọc tự nhiên" là thực tiễn cơ sở. Thế nhưng, công tác luân chuyển cán bộ hiện nay vẫn còn không ít trăn trở cần phải sớm nhận diện, giải quyết triệt để:
Thứ nhất, cán bộ được luân chuyển sẽ tiếp cận, đến với một nơi khá xa lạ nên dễ bị "cô lập", hoặc đón nhận sự phản ứng tâm lý từ đội ngũ cán bộ người địa phương; thậm chí là phản ứng tiêu cực từ cơ sở, nếu công tác luân chuyển thiếu khách quan, hoặc có xung đột lợi ích trong công tác cán bộ.
Vấn đề thứ hai là phần lớn cán bộ luân chuyển thường có tâm lý “đi tráng men” một thời gian, rồi “khi xong xuôi tất cả lại về”. Với cách nghĩ đó mà nhiều cán bộ chưa thật toàn tâm, toàn ý trên cương vị luân chuyển; xem việc địa phương thuộc trách nhiệm của những cán bộ địa phương. Trong khi, một số cán bộ khác lại có tư tưởng khép mình, thụ động, không dám đấu tranh phê bình, góp ý giúp cơ sở tiến bộ, phát triển mà chủ yếu là “tự đánh bóng” nhằm được đón nhận những lời nhận xét tốt đẹp vì các mục tiêu tiếp sau.
Cũng bởi rơi vào nhận thức phiến diện, mà không ít cơ quan, đơn vị thường xem nhẹ vai trò, vị trí của cán bộ luân chuyển về, không giao việc một cách nghiêm túc, thực chất, mà chỉ “khoán” những đầu việc "vô thưởng, vô phạt", không chính danh, chủ yếu là "cờ, đèn, kèn, trống...". Trong khi đó, những người làm công tác quy hoạch lại có những biểu hiện lỏng lẻo trong khâu lựa chọn, vận hành luân chuyển, dẫn đến tình trạng cứ đưa cán bộ đi luân chuyển trước đã, rồi hẳn tính tiếp, mà chưa rõ mục đích luân chuyển để làm gì, sử dụng cán bộ tiếp theo như thế nào?
Tôi cho rằng, đều quan trọng nhất đối với cán bộ luân chuyển là phải rõ tư tưởng, không cứ đi luân chuyển là được lên chức, lên quyền mà luân chuyển là nhằm học tập, tôi luyện năng lực, trình độ, kiểm nghiệm mình qua thực tiễn cơ sở. Đó thực sự là một bước thử lửa, một dịp khẳng định bản thân đối với tổ chức.
Tôi rất ấn tượng, khi ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái, ngay từ sớm đã xác định rõ các bước và vận hành quy trình tròn khâu đối với công tác luân chuyển cán bộ; nhất là việc “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” một cách nghiêm túc, chặt chẽ; đồng thời thể hiện rõ tinh thần thận trọng trong quá trình lựa chọn, quy hoạch cán bộ, bảo đảm nơi đi, nơi đến, chỗ về... Trong đó, nơi đến thường địa bàn khó khăn-nơi còn nhiều vấn đề đặt ra, buộc cán bộ phải xử lý, giải quyết-xem đây là thử thách và cũng là điều kiện rèn luyện cán bộ để tiếp tục cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ ở những vị trí cao hơn. Đó thật sự là cách luân chuyển cán bộ đúng nguyên tắc, đúng với nguyện vọng của cơ sở.
Cùng với đó, Yên Bái nhất quán thực hiện luân chuyển cán bộ phải là những người nằm trong quy hoạch, không luân chuyển một cách tràn lan theo kiểu “vứt cán bộ về cơ sở” rồi để “cán bộ tự bơi”. Tư duy và cách làm đó rất sát, đúng với thực tiễn, được Bộ Chính trị đúc rút, chỉ rõ trong Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ, mới được ban hành vào ngày 28-4-2022 vừa qua.