Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân KHUẤT DUY TIẾN, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1:
Quyết liệt đổi mới phong cách, lề lối làm việc của người đứng đầu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Với nghĩa đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực thi các nhiệm vụ.
 |
Đồng chí Lê Trí Hà, Bí thư thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) kiểm tra chất lượng sản phẩm trong mô hình du lịch cộng đồng xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ. |
Trải qua các cuộc kháng chiến cho thấy, đội ngũ tướng lĩnh, cán bộ cấp cao quân đội luôn có mặt, xung kích đi đầu ở những điểm nóng của chiến trường; vừa chỉ đạo, tổ chức chiến đấu, vừa động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao quyết tâm đánh đuổi quân thù, làm nên những chiến thắng hiển hách của dân tộc. Còn trong thời bình, nhất là những năm gần đây, hình ảnh nhiều cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu gương mẫu, tận tụy với công việc, dám nghĩ, dám làm đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người dân và cán bộ, chiến sĩ. Đó cũng là mệnh lệnh không lời để cấp dưới và người dân noi gương, làm theo.
Loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” đăng trên Báo Quân đội nhân dân từ ngày 4-5 đến 8-5-2022 đã phản ánh bức tranh khá toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở Yên Bái; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Ấn tượng đặc biệt khi những người đứng đầu các cấp ở Yên Bái đã cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng một cách kịp thời, sâu sát; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, tuân thủ nguyên tắc của Đảng...
Lời nói, hành động của đội ngũ cán bộ ở tỉnh Yên Bái cũng chính là việc nhất quán chủ trương và quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ mà Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh. Đại hội XIII của Đảng đề ra phương hướng: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Để xây dựng, phát huy vai trò người đứng đầu, theo tôi, mỗi cán bộ cần chú trọng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phương pháp, tác phong công tác bảo đảm khoa học, sâu sát, cụ thể. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thật sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung; phát huy tốt những tố chất của một thủ lĩnh chính trị dẫn dắt tập thể đồng lòng hành động để đạt những mục tiêu đề ra.
----------------------
Đồng chí NGUYỄN TÂM CHƯƠNG, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
Nuôi dưỡng lý tưởng và đề cao trách nhiệm đảng viên
Những tấm gương đảng viên ở cơ sở “đặt việc nước lên trên việc nhà” trong loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái”, đăng trên Báo Quân đội nhân dân khiến tôi rất xúc động, cảm phục.
Xúc động là bởi, không cứ mang trên mình danh nghĩa đảng viên là hiển nhiên bản thân đã tốt đẹp, mãi tốt đẹp với những lý tưởng và sự cống hiến, hy sinh vì tập thể, vì nhân dân. Nhất là trong điều kiện xã hội hiện nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân đang từng ngày, từng giờ len lỏi và nảy mầm trong suy nghĩ, hành vi, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Trong khi đó, thực tiễn kiểm định rằng, muốn có Đảng mạnh, phải có tổ chức đảng mạnh và từng đảng viên tốt. Chính vì vậy, việc chăm lo, nuôi dưỡng ý thức, trách nhiệm, đạo đức, phẩm chất cho mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo nghĩa đó, các cấp ủy phải chú trọng hơn nữa việc giáo dục, tôi luyện bằng thực tiễn để mỗi đảng viên thực sự là công bộc của nhân dân, sống vì dân, công tác vì dân, phụng sự nhân dân! Phần việc này đã được các tác giả của loạt bài đúc kết từ thực tiễn ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái, đó là: Sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo các cấp một cách toàn diện đến đội ngũ đảng viên ở cơ sở, từ việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và trách nhiệm đảng viên đến công tác chăm lo hỗ trợ đảng viên thực hiện nhiệm vụ và lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Quan tâm đến đảng viên thông qua việc tin tưởng giao nhiệm vụ khó, "thử lửa" đảng viên bằng phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm". Sự quan tâm còn thể hiện ở chỗ, mọi cán bộ, đảng viên đều được thực hiện nhiệm vụ luân chuyển để rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm về trình độ, năng lực. Đặc biệt, Yên Bái có nhiều sáng tạo trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác và cuộc sống của đảng viên ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Với cách làm mới và bám sát thực tiễn, công tác chăm lo đảng viên ở Yên Bái đã thật sự cho "trái ngọt" chính là sự dấn thân, cống hiến, hy sinh của đội ngũ đảng viên một lòng hành động "vì nước, vì dân". Kết quả và cách làm ở Yên Bái là những bài học kinh nghiệm hay mà tổ chức đảng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, vận dụng.
-----------------------------
Đồng chí TRƯƠNG VĂN TỊNH, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh:
Nhiều kiến nghị đúng, trúng
Tôi thấy rằng, việc đề xuất nên thành lập văn phòng cấp ủy chuyên trách mảng công tác Đảng ở các xã, phường được nêu trong loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” là rất cấp thiết đối với thực tiễn công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở nhiều địa phương hiện nay, trong đó có phường Kỳ Long.
Thực tế ở phường Kỳ Long, từ sau khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế bộ máy, bản thân tôi là phó bí thư thường trực nhưng phải kiêm nhiệm thêm 4 nhiệm vụ: Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra; trưởng ban tuyên giáo; trưởng ban dân vận; trưởng ban tôn giáo. Công việc nhiều như vậy nhưng lại không có văn phòng đảng ủy cấp xã, nên tất cả thủ tục văn bản giấy tờ đều phải tự tay mình làm, vừa mất nhiều thời gian, vừa ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Thực tế, một lúc kiêm nhiệm nhiều công việc rất khó để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ thực trạng này, nhiều địa phương đã đề nghị cần bổ sung biên chế văn phòng cấp ủy xã, phường.
Ngoài ra, việc tinh giản bộ máy, cắt giảm phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cũng là nỗi niềm trăn trở của địa phương lâu nay. Theo quy định mới thì chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm không được hưởng phụ cấp hằng tháng mà chỉ được “bồi dưỡng” khi tham gia hoạt động.
Điều này gây nhiều tâm tư cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Trong khi thực tiễn cho thấy, đây là đội ngũ cán bộ làm việc trách nhiệm và hiệu quả. Họ là những người gần dân, sát dân, hiểu dân nhất, tựa như những cánh tay đắc lực nối dài chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tận cơ sở, đến từng người dân. Thế nhưng, việc đãi ngộ về vật chất thì dường như chỉ "tròn trĩnh con số không".
Tôi nghĩ, với cách “bồi dưỡng” kinh phí khi cán bộ thôn, bản trực tiếp tham gia hoạt động ở cơ sở cũng chỉ là giải pháp tình thế, khó có thể yêu cầu họ thật sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Mặt khác, điều này cũng gây áp lực kinh phí và phải cân đối tài chính cho địa phương. Bởi vậy, các cấp cần phải có giải pháp thấu tình đạt lý, nên có khoản phụ cấp cho đối tượng này để phát huy sức mạnh tổng hợp trong dân.
-------------------------
Đồng chí PỜ DIỆU NINH, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé, tỉnh Điện Biên:
Xây dựng Đảng ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Đọc loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” chúng tôi đánh giá cao những chủ trương, giải pháp của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái trong việc tập trung sức lãnh đạo, chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Thực tiễn tại Yên Bái cho thấy, địa phương đã làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và tổ chức cơ sở đảng. Đây là hai yếu tố hết sức quan trọng, góp phần quyết định vào việc nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, giúp hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Chúng tôi cũng ấn tượng với việc triển khai chuyển đổi số trong xây dựng Đảng ở Yên Bái. Đây là chủ trương sát đúng, góp phần quan trọng, tạo tiền đề cho những bước phát triển bền vững ở 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, gắn với kết quả và sản phẩm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu đã tạo đột phá giúp địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh.
Xác định tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, thời gian qua, Đảng bộ huyện Mường Nhé không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo, chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhất là trong lãnh đạo thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Để phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, Huyện ủy Mường Nhé tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ, nâng cao trách nhiệm của mỗi tổ chức và cá nhân người đứng đầu từng cấp ủy. Huyện ủy cũng nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân. Với những cách làm đó, đến nay, nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng đã có nhiều đổi mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năng lực, trình độ cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở được nâng lên.
Nhiều cấp ủy viên, đảng viên được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu. Việc sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi có sự chuyển biến, từng bước nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; công tác đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đã nâng cao về chất lượng, thực chất; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và thực hiện toàn diện, từ đó góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong toàn Đảng bộ huyện.
----------------------
Đồng chí BÙI THỊ HOA, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa:
Khéo luân chuyển cán bộ, dồn sức cho cơ sở
Là cán bộ địa phương miền núi của tỉnh Thanh Hóa, lại có nhiều năm công tác ở cơ sở, tôi cho rằng, những nội dung loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” phản ánh, đúc rút đều rất sát, đúng với thực tế nhiều địa phương trong cả nước nói chung, ở Bá Thước nói riêng. Trong đó, nhiều mô hình, cách làm được đúc rút trong 5 bài viết được Đảng bộ huyện Bá Thước đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai. Tiêu biểu như việc “đi trước về tư duy, quyết liệt trong hành động” xây dựng, củng cố tổ chức Đảng; việc nhất quán phương châm “trọng cơ sở” và hành động hướng về cơ sở-dồn sức lãnh đạo và ưu tiên các nguồn lực giúp tổ chức cơ sở đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
Đặc biệt, để dồn sức cho cơ sở, tập trung nguồn lực, trước hết là yếu tố con người cho cơ sở, từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước đã điều động, luân chuyển gần 100 lượt cán bộ, trong đó luân chuyển 16 đồng chí từ các ban, phòng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể cấp huyện về xã, thị trấn để giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt; điều động hơn 50 đồng chí từ địa phương này sang địa phương khác; chuyển đổi chức danh 25 đồng chí. Trước khi điều động, luân chuyển, cấp ủy trực tiếp gặp gỡ, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, giao nhiệm vụ cho cán bộ để sắp xếp vị trí công tác cho phù hợp, giúp các đồng chí yên tâm công tác, quyết liệt hành động vì cơ sở, vì nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, không ít cán bộ được luân chuyển đã tạo nên “luồng gió mới” trong tư duy, nhận thức cho cơ sở; góp phần đẩy lùi, xóa bỏ các biểu hiện của tư tưởng cục bộ, bè cánh, dòng họ; đồng thời kích thích được tính cạnh tranh, nỗ lực phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Tôi nhận thấy, việc luân chuyển cán bộ, “Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” tại Yên Bái thể hiện rõ chủ trương: Giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc. “Sản phẩm đầu ra” chính là sự phát triển đột phá của những địa phương mà trước đó thuộc diện đặc biệt khó khăn hoặc thuộc nhóm “trung bình” nhưng thiếu tiềm năng, triển vọng bứt phá... Cách làm này giúp các cấp ủy, chính quyền khắc phục tình trạng nhận thức chưa đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ; còn e ngại khi thực hiện nhiệm vụ luân chuyển.
Đặc biệt, khi được luân chuyển đến địa phương, đơn vị mới, vẫn còn tình trạng cán bộ có tâm lý “ngại va chạm” nên chưa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dẫn đến chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Hoặc chỉ tập trung duy trì sự ổn định của địa phương, đợi hết thời gian luân chuyển để được điều động, bố trí vào vị trí công tác khác... Đây là các biểu hiện cần sớm được nhận diện, đấu tranh, khắc phục dứt điểm.