“Giọt nước tràn ly”
Không phải ngẫu nhiên mà những người tổ chức biểu tình ở Mỹ lại chọn phố Wall - kinh đô tài chính của Mỹ, bởi họ cho rằng đây là nơi đặt trụ sở những cơ quan đại diện của các tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ và có vai trò xuyên quốc gia. Cũng theo ước tính tại Mỹ lúc bấy giờ, nhóm 1% những người giàu nhất chiếm khoảng 21% thu nhập quốc dân (GDP), nhưng lại sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia; và khoảng hơn 200 công ty khổng lồ xuyên quốc gia ở Mỹ và Tây Âu đang chiếm giữ 30% GDP của thế giới…
Thêm vào đó, với cơ chế tài chính theo chủ thuyết “tự do mới”, sau nhiều năm phát triển, tại Mỹ đã hình thành sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung - cầu, tiền - hàng; trong 100% GDP của Mỹ, có 3 lĩnh vực đóng góp chủ yếu là nông nghiệp 0,9%, công nghiệp 20,6% và dịch vụ 78,5%. Trong lĩnh vực dịch vụ lại chỉ có 3 khu vực đóng góp nhiều nhất là tài chính, địa ốc và y tế. Tình trạng “hàng hóa ảo” gia tăng, thị trường địa ốc bị chứng khoán hóa, do sự lạm dụng thị trường chứng khoán quá mức, sự điều hành của nhà nước bị buông lỏng. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 35% GDP, tạo ra 70% việc làm cho xã hội, nhưng lại không tiếp cận được các khoản vay lớn.
 |
Người biểu tình cáo buộc chính những gói cứu trợ khổng lồ cho Phố Wall dẫn tới mức nợ của chính phủ lên cao hơn bao giờ hết. Ảnh: CNN |
Bởi vậy, người biểu tình phẫn nộ, không chỉ vì 1% người giàu chiếm giữ 99% số tiền ở phố Wall, mà còn vì cơ chế đã tạo ra sự bất công đó. Giáo sư nổi tiếng Jefferey Sachs tại Đại học Columbia (Mỹ) nói rằng: “Chính quyền và cơ chế hiện nay của Mỹ, và có thể là của thế giới tư bản nói chung là của 1%, do 1 % và vì 1 %”.
Tuy nhiên, xét đến cùng, nguyên nhân sâu xa là chính phủ hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đều có liên quan mật thiết, phức tạp và phụ thuộc vào giới đại gia tài chính ngân hàng ở phố Wall. Hoạt động của các chính đảng tại Mỹ đều dựa vào sự ủng hộ của các tập đoàn tài chính, từ chi phí bầu cử, tạo uy tín đến tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng… đều cần kinh phí rất lớn. Một nguyên nhân khác nằm ở bản thân chế độ chính trị lưỡng đảng của Mỹ. Khó có thể tạo ra sự đồng thuận vì thất bại của đảng cầm quyền đồng nghĩa với cơ hội chiến thắng của Đảng đối lập. Vì thế, Đảng nào cũng tìm cách bảo vệ lợi ích của giới tư bản giàu có, nhất là các giới chức tư bản tài chính.
Nhà báo Jack Hood của World Socialist Web Site (WSWS) đã phỏng vấn rất nhiều thanh niên Mỹ tham gia biểu tình ở Sacramento, nơi từng nổi tiếng là thành phố lều bạt trong năm 2009, khi hàng chục ngàn người bị các ngân hàng đuổi khỏi nhà và phải sống trong các lều bạt. Đa số họ đều khẳng định mình đã đặt nhiều hy vọng vào đảng Dân chủ và Tổng thống Barack Obama nhưng giờ đây họ biết rằng phép màu của “Ông già Noel” không có thật. Họ cho rằng trong thực tế, chính ông Obama và hai Đảng Cộng hòa cùng Dân chủ đang tấn công vào tầng lớp lao động, nên dù đảng nào vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm tới cũng không thay đổi được gì.
Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu, những tồn tại, sai lầm này là “từ trong hệ thống”, từ trong bản chất của chủ nghĩa tư bản (CNTB), dù nó đã và đang không ngừng điều chỉnh để thích nghi. Vậy nên nhà báo Jack Hood kết luận trong bài viết của mình rằng: Ảo tưởng về đảng Dân chủ sẽ dẫn đến sự thất bại và sụp đổ của cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”, chỉ có phong trào xã hội chủ nghĩa (XHCN) của quần chúng được tổ chức chặt chẽ chống lại CNTB mới có khả năng chấm dứt những bất công đã đưa đến phong trào này.
 |
Người biểu tình tuần hành tại New York. Ảnh: AFP |
Vì sao phong trào “Chiếm lấy phố Wall” thất bại
Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” dù lan rộng nhưng cũng sớm “đi vào ngõ cụt” và tự triệt thoái bởi nhiều “điểm yếu cốt tử” mà chuyên gia phân tích chính trị Andy Ostroy nhận định trong bài viết “Nhìn lại sự thất bại của phong trào Chiếm lấy phố Wall” trên tờ Huff Post.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ chính bản chất của phong trào. Từ trước đến nay, lấy thí dụ về các phong trào phản đối bất công xã hội chẳng hạn, thì muốn thành công không phải chỉ cần “chiếm đóng” là đủ. Các phong trào phản đối thành công không phải là cắm trại, chia sẻ sách, ăn uống và trò chuyện với nhau rồi thi thoảng giơ khẩu hiệu. Thông điệp đã có nhưng lại dần trở nên không rõ ràng. Nói cách khác, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” quá gắn liền với từ “chiếm đóng” bởi những người biểu tình cũng chỉ biết dựng lều, đứng tụ tập ở các khu vực công cộng. Trong khi đó, để tập hợp sự ủng hộ của toàn quốc nhằm mở rộng sự ảnh hưởng đích thực của phong trào, người biểu tình cần phải tổ chức tuần hành xuống đường. Vì vậy, ông Andy Ostroy khẳng định, điều đó vô hình trung biến người biểu tình trở thành “những người lang thang” hơn là những người biểu tình có mục tiêu đích thực trong mắt cộng đồng nói chung.
 |
Người biểu tình ra hẳn tờ báo “Chiếm đóng Phố Wall”. Ảnh: The New York Times |
Thứ hai, theo ông Andy Ostroy, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” không có một nhà lãnh đạo nào. Tất nhiên, phong trào do nhóm Adbusters có trụ sở ở Canada khởi xướng. Tuy nhiên, lãnh đạo ở đây hàm ý chỉ một nhà lãnh đạo thực thụ. Mọi phong trào biểu tình thành công đều cần có một nhà lãnh đạo đại với tiếng nói mạnh mẽ, đại diện cho tiếng nói chung, mục đích chung của phong trào. Ông Andy Ostroy lấy thí dụ về nhà tư tưởng vĩ đại Ấn Độ Mahatma Gandhi hay mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King đều là những nhà lãnh đạo xuất chúng đã lãnh đạo các phong trào đi đến các thành công nhất định.
Thứ ba là thông điệp của phong trào. Ông Andy Ostroy cho rằng, mặc dù phần lớn khẩu hiệu của phong trào này đều hướng tới một mục đích phản đối bất bình đẳng kề chính sách kinh tế, nhưng cuối cùng nó đã đi vào một “bước ngoặt chết người” là lại chuyển thành thành chủ đề “người giàu thì xấu hết, chỉ có người nghèo mới tốt đẹp”. Người biểu tình phản đối tất cả những người ở nhóm 1% mà thực tế rất nhiều trong số họ, đơn cử là các tỷ phú George Soros, Warren Buffett hay Bill Gates đều rất hào phóng trong việc làm từ thiện giúp đỡ người nghèo trên thế giới. Vì thế, ông Andy Ostroy khẳng định, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đáng lẽ chỉ nên tập trung đòi quyền bình đẳng và công bằng tài chính cho tất cả mọi người thông qua các chính sách và quy định về thuế hợp lý từ chính phủ.
Ngoài ra, ông Andy Ostroy cũng chỉ ra rằng phong trào “Chiếm lấy phố Wall” không có một chương trình nghị sự chính trị và cương lĩnh cụ thể, mà điều này cũng bắt nguồn từ việc phong trào không có một lãnh đạo đích thực, không có một cơ cấu tổ chức nhất định, hay xuất hiện vào một thời điểm rất nhạy cảm khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 đang đến gần. Những người tổ chức và tham gia biểu tình trong phong trào “Chiếm lấy phố Wall” muốn nhà cầm quyền phải quan tâm tới dân sinh, nhất là người nghèo, đồng thời kỳ vọng phong trào này có thể phát triển giống như “Đảng Trà” (Tea Party) hiện nay ở Mỹ - một phong trào vận động chính trị đi lên từ phong trào cánh hữu và bảo thủ nhờ lợi dụng được sự bất mãn của dân chúng đối với những chính sách kinh tế, xã hội bị cho là “non kém” của chính quyền cựu Tổng thống Barrack Obama.
 |
Người biểu tình đánh trống gần nhà thị trưởng New York. Ảnh: AFP |
Xét cho cùng, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” vẫn mang tính tự phát là chủ yếu. Chúng ta vẫn biết rằng quyền lực của dân chúng là tối thượng, sức mạnh của nhân dân bao giờ cũng như nước, có thể đẩy thuyền trôi, nhưng cũng có thể làm lật thuyền. Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” đã thu hút được rất đông các tầng lớp người dân trong xã hội Mỹ nhưng lại thiếu rất nhiều điều kiện căn bản, đặc biệt là không có sự lãnh đạo của chính đảng, từ đó cho thấy nó không thể tiến tới một cuộc cách mạng xã hội nhằm sự biến đổi có tính chất bước ngoặt và căn bản về chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nói cách khác, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” không giải quyết được vấn đề tận gốc là phải thay thế chủ nghĩa tư bản (CNTB) bằng chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Lênin đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác giáo dục Đảng công nhân, là giáo dục đội tiên phong của giai cấp vô sản, đội tiền phong này đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên CNXH, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động”. Vậy nên thiết nghĩ, nếu có được một chính đảng lãnh đạo, có cương lĩnh chính trị rõ ràng thì phong trào “Chiếm lấy phố Wall” có thể sẽ tới được đích cuối cùng. Điều đó càng cho thấy học thuyết Mác-Lênin về cách mạng xã hội cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Chủ nghĩa xã hội vẫn sẽ là tương lai tất yếu của loài người
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết: “... CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là, năm 2008-2009 chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa (TBCN) khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Các nhà nước, các chính phủ tư sản ở phương Tây đã bơm những lượng tiền khổng lồ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, nhưng không mấy thành công. Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội TBCN: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc.”
Nhìn lại phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, nhiều nơi, người biểu tình gồm đủ các thành phần, từ công chức, giáo viên, sinh viên, người thất nghiệp đã giơ cao và hô vang các khẩu hiệu như “Chúng tôi chiếm 99%”, “Hãy đặt con người lên trên lợi nhuận”, “Phản đối cắt giảm ngân sách”, “Chấm dứt tài trợ cho giới ngân hàng”, “Không lo đủ ăn cho người nghèo, nhưng lại nuôi chiến tranh”... Đây là hệ quả của nghịch lý đáng lo ngại đang ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Sau nhiều năm phát triển, “chiếc bánh” kinh tế toàn cầu đã nở phồng lên. Nhưng đáng buồn là trong thế giới TBCN, người giàu đang ăn hầu hết những lát bánh mới. Không những thế, họ còn dùng quyền lực của mình để bảo đảm rằng “người làm bánh” sẽ chuyển những lát bánh trên tới gia đình của họ trước khi chúng đi tới những gia đình lao động, công chức nghèo khó hơn.
 |
Những người biểu tình đổ ra các con phố ở Chicago. Ảnh: AFP |
Thực tế, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” có thể đã không xảy ra nếu chính phủ các nước TBCN thực hiện vai trò điều tiết, kiểm soát sự bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, chính những bộ máy “dân cử” đó lại bị các nhóm lợi ích chi phối, ngày càng ngả theo phái hữu, ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do quá mức, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Từ đó, các chính sách thuế trở nên ít lũy tiến hơn, việc tư nhân hóa đã đẩy các nguồn tài nguyên công cộng vào tay tư nhân, dẫn đến làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi hơn cho giới tài phiệt. Đơn cử, năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ nổ ra, chính quyền Washington lại bỏ tiền ra mua lại các tài sản xấu của các ngân hàng, trong khi người dân Mỹ phải chống chọi với tình trạng thất nghiệp tăng cao, mất an ninh việc làm và chẳng nhận được sự giúp đỡ nào từ chính phủ liên bang. Thậm chí, chính tỷ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros, một trong những nhà đầu tư tài chính và nhà từ thiện nổi tiếng nhất thế giới, cũng phải thừa nhận rằng hành động của chính phủ Mỹ “mang đến một sự giúp đỡ nhân tạo cho các ngân hàng và rồi tất cả đè nặng lên vai người nộp thuế”.
Cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa, người chèo lái đưa nước này đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường, song cũng phải thừa nhận CNTB đang gặp khủng hoảng và có thể tàn lụi vào cuối thế kỷ 21 này. Hiện nay, CNTB đang đối mặt với khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế với những hệ quả chưa thể biết trước và cuộc khủng hoảng về khí hậu. Trong đó, cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch đang nhanh chóng kích hoạt cuộc khủng hoảng kinh tế với những hệ quả chưa thể biết trước với sự ổn định của nền tài chính. Tất cả những điều đó diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng về khí hậu đang ngày một trầm trọng, khiến chuyện “vẫn làm ăn như thường” giờ không còn khả thi nữa. Vậy nhưng, các chính quyền đang mở rộng những khoản vay cho doanh nghiệp khi mà nợ tư nhân đang ở mức cao lịch sử. Tại Mỹ, tổng nợ của các hộ gia đình ngay trước cuộc khủng hoảng hiện giờ là hơn 14.600 tỷ USD, tức nhiều hơn 1.200 tỷ USD so với vào năm 2008. Chúng ta không được quên rằng chính nợ tư nhân quá cao là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhà hoạt động xã hội người Mỹ Bill Fletcher Jr. đã nhận định rất chuẩn xác rằng: “Bất công là hậu quả của CNTB. CNTB là một hệ thống độc hại đến nỗi không biết rõ rằng nó có cho phép con người bước ra thế kỷ 21 dưới bất kỳ hình thức văn minh nào. Vì vậy chắc chắn phải là CNXH. Nhưng CNXH phải đổi mới và dân chủ. Đó phải là một hệ thống nơi nhân dân thật sự kiểm soát nhà nước và là nơi có cách tiếp cận tích cực để phá hủy các quan hệ xã hội phản động. Đó phải là hệ thống mà công nhân thật sự điều hành xã hội và không chỉ là những nơi làm việc cá nhân. Tương lai hoàn toàn thuộc về CNXH. Nhưng CNXH trong thời đại mới sẽ khác hơn những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20”.
Từ đó mới thấy, những nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn chính xác, mang tính tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận cực kỳ quan trọng. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam là minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục cho việc lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đó là con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và chúng ta sẽ vững bước trên con đường ấy.
LAM ANH - VĂN HIẾU