Đồng chí PHAN VĂN HÙNG, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:

Khơi dậy và phát huy nội lực vùng Tây Bắc

Qua theo dõi loạt bài viết “Đảng trong lòng dân Tây Bắc” của Báo Quân đội nhân dân, tôi rất tâm đắc và đồng quan điểm về những khó khăn, trở ngại, những điểm nghẽn, rào cản của Tây Bắc trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo được các tác giả chỉ ra.

Chúng ta thấy rằng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho toàn vùng Tây Bắc; phát triển hạ tầng giao thông kết nối Tây Bắc với các vùng, miền trong cả nước là một trong những yêu cầu cấp thiết để nâng cao đời sống đồng bào, để Tây Bắc bắt nhịp cùng cả nước. Thế nhưng, để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là phải vượt được rào cản là những hủ tục, thói quen đã “ăn sâu bám rễ” trong đồng bào, trong đó có cả cán bộ, đảng viên là người bản địa.

Vậy cơ hội nào để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng Tây Bắc? Tây Bắc có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây, con mà không phải vùng nào cũng trồng và nuôi được. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn.

Tuy nhiên, không thể khai thác một cách bừa bãi, tận diệt, hủy hoại môi trường, mà phải giữ cho Tây Bắc là lá phổi xanh kỳ vĩ của đất nước. Tất cả các chương trình, dự án phát triển dành cho vùng Tây Bắc phải dựa trên sự nghiên cứu, đánh giá và có các luận cứ khoa học chứ không thể thực hiện theo phong trào, hay cảm tính... Đây chính là yếu tố căn bản để Tây Bắc phát triển bền vững mà không ảnh hưởng tiêu cực đến môi sinh, môi trường.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần giải quyết được bài toán thu hút đầu tư, quy hoạch vùng nguyên liệu phải luôn có sự đồng hành của doanh nghiệp để gắn với khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho người dân bản địa. Xây dựng chính sách phát triển hàng hóa, lựa chọn danh mục các hàng hóa nông sản chủ lực, có thế mạnh đặc trưng của Tây Bắc để phát triển thành các chuỗi giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu và phát triển bền vững...

Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào cần được thiết kế theo hướng giảm cho không, tăng cho vay, “cho cần câu chứ không cho con cá” để khơi dậy ý chí vươn lên của đồng bào. Có như thế Tây Bắc mới phát huy được tiềm năng, lợi thế và khơi dậy nội lực của toàn vùng.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên vui chơi trong lễ hội hoa ban. Ảnh: VŨ LỢI 

Đồng chí NGUYỄN ĐẠI DƯƠNG, Phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ: 

Nhận diện, làm thất bại âm mưu của thế lực chống phá

Chúng tôi đồng quan điểm với loạt bài “Đảng trong lòng dân Tây Bắc” khi nói về những rào cản, khó khăn trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Do xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số nên thời gian qua các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, “tự do”, “dân chủ”, đẩy mạnh hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tây Bắc. Nguy hiểm nhất là các đối tượng núp bóng hoạt động tôn giáo để đẩy mạnh các hoạt động chống phá.

Để đấu tranh, ngăn ngừa, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù trên địa bàn Tây Bắc, chúng tôi kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Việc này cần phải làm thường xuyên, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động hiệu quả, phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền cần có giải pháp đồng bộ phát huy vai trò LLVT và đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc trong việc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa tại các làng, bản, đấu tranh chống các biểu hiện mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái pháp luật. 

-----------

Tiến sĩ NGUYỄN CẨM NGỌC, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Sáng tạo xây dựng thế và lực mới

Sự đa dạng về địa hình, khí hậu, bản sắc văn hóa vừa là cái khó, vừa là cơ hội để vùng Tây Bắc xây dựng các chiến lược phát triển “đặc sản” kinh tế đa dạng trên các lĩnh vực: Nông, lâm, khai thác, dịch vụ, du lịch... Và đây thực sự là thế mạnh của vùng cần tập trung đẩy mạnh phát triển.

Hơn thế, nghị quyết của Đảng về phát triển vùng Tây Bắc đã có, trong khi môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam đang khá tốt, nhiều đối tác muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và du lịch của Việt Nam. Thay vì trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, vùng Tây Bắc cần sáng tạo, đổi mới, xây dựng thế và lực mới; chủ động đưa ra những sáng kiến, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng phù hợp với điều kiện thực tế và đặc trưng của vùng. Lãnh đạo và cơ quan chức năng các tỉnh Tây Bắc cần thường xuyên bàn bạc, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong phát triển các ngành nghề; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư trên quy mô vùng.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm 10 dự án thành phần, được thực hiện ở địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2025, với mức vốn tối thiểu được Quốc hội phê duyệt trên 137 nghìn tỷ đồng chính là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc phải đặc biệt chú ý đến các đặc thù về môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Các đặc thù này được lồng ghép, phản ánh trong bộ chỉ tiêu phát triển bền vững theo lĩnh vực và lãnh thổ vùng Tây Bắc với 105 chỉ tiêu cấp vùng, 103 chỉ tiêu cấp tỉnh và 79 chỉ tiêu cấp huyện...

Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại. Xây dựng chính sách phát triển hàng hóa, lựa chọn danh mục các hàng hóa nông sản chủ lực, có thế mạnh đặc trưng của Tây Bắc để phát triển thành các chuỗi giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu và phát triển bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương... 

----------

Đảng viên PỜ DẦN XINH, người có uy tín ở bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên:

Cán bộ, đảng viên phải một lòng vì dân

Đọc loạt bài “Đảng trong lòng dân Tây Bắc” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, tôi như thấy lại chính mình trong những năm tháng đang công tác trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Đó là một thời kỳ sôi nổi, nhiệt tình, tâm huyết cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ánh sáng của Đảng về với đồng bào xã Sín Thầu.

Ðã hơn 6 thập kỷ trôi qua, từ khi chi bộ đầu tiên được thành lập ở xã Sín Thầu, lớp lớp đảng viên người Hà Nhì chúng tôi nguyện dành trọn niềm tin sắt son theo Ðảng. Nhớ lại những ngày đầu, vấn đề khó khăn lúc ấy là làm thế nào để đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào trong điều kiện các thế lực thù địch thường xuyên lôi kéo, xuyên tạc, nói xấu Đảng, hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thế nhưng, với tinh thần tất cả vì đồng bào, chúng tôi đã bám dân, bám cơ sở để vận động, tuyên truyền, thuyết phục bằng lời nói và việc làm. Để giúp dân bản từng bước thoát đói nghèo, vươn tới no ấm, chúng tôi vận động người dân trước hết phải định canh, định cư rồi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi.

Tôi cùng đội ngũ cán bộ xã gương mẫu, đi đầu, đổi mới, phát triển mô hình kinh tế trang trại VAC để hướng dẫn đồng bào làm theo. Để giải quyết các vấn đề xã hội, chúng tôi kiên trì xóa bỏ hiểm họa của ma túy và các tập tục lạc hậu. Bên cạnh đó, Sín Thầu thường chăm lo công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, xóa “bản trắng đảng viên”; chăm lo công tác giáo dục, tạo nguồn cán bộ trẻ.

Điều đáng mừng là đời sống đồng bào giờ đây được khởi sắc vươn lên, không chỉ biết làm kinh tế, đồng bào đã trở thành những cột mốc bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Các thế hệ đảng viên trẻ càng về sau càng phát huy được phẩm chất, năng lực của người cán bộ, đảng viên dân tộc Hà Nhì. Dù ở cương vị nào, những đảng viên ở Sín Thầu vẫn kiên trung, luôn giữ vững phẩm chất, khẳng định tính tiền phong, gương mẫu, sôi nổi, nhiệt tình tựa như những cánh tay nối dài đưa các nghị quyết của Đảng đến với lòng dân, qua đó xây dựng đời sống đồng bào ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc.

PHẠM KIÊN (ghi)